Tết Quý Tỵ kham khổ của quan chức Trung Quốc

ANTĐ - Trung Quốc đang thúc đẩy chống lãng phí trong những ngày Tết cổ truyền đến gần. Những ngày cuối năm 2012, hàng loạt quy định nhằm hạn chế chi tiêu công đã được ban hành. Chính phủ nước này đã đưa ra những lệnh cấm khá thực tế: Không rượu tết, không cây cảnh trang trí, thậm chí là không dùng mực thư pháp để in chân dung các quan chức.

Ăn sáng 4 lần một ngày!

Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ thực hiện một cuộc chiến công khai chống lại sự tham nhũng trong các cơ quan Nhà nước của nước này. Ông Tập Cận Bình đã yêu cầu các Ủy viên Bộ Chính trị giảm bớt thói quan liêu và sự phô trương xa hoa trong một nỗ lực nhằm đổi mới phong cách làm việc và xoa dịu sự bất bình của công chúng đối với nạn tham nhũng đang hoành hành dữ dội. 

Một danh sách gồm 8 điều nên tránh để phù hợp với thời kỳ khắc khổ mới được đưa ra như các biểu trưng, khẩu hiệu, băng rôn và thảm hoa chào đón đoàn đại biểu chính thức bị cấm theo quy định của Bộ Chính trị, thay vào đó các học sinh sẽ đứng vẫy chào khách quan cao cấp của Chính phủ. Công chức Nhà nước đi công tác nước ngoài cần phải lưu ý và hạn chế số lượng người đi cùng. Việc cấm đường, làm gián đoạn giao thông trong hành trình của một quan chức Chính phủ sẽ không còn nữa. Các biểu ngữ màu đỏ mang tính biểu tượng treo trên các văn phòng Chính phủ Trung Quốc kiểu như: “nhiệt liệt chào mừng” cũng bị cấm. 

Từ lâu, vấn đề đón tiếp các quan chức đến khảo sát đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít địa phương. Báo Chiều Trịnh Châu dẫn lời một Phó chủ tịch huyện ở Nội Mông cho biết rất nhiều lần ông phải tiếp đến hơn 10 lượt khách lãnh đạo từ Trung ương đến để “khảo sát” khu vực suối nước nóng tại huyện nhà. 

Nhân viên phụ trách tiếp khách một thành phố tại Nội Mông cũng cho biết có nhiều buổi sáng thức ăn cứ ứ lên đến tận cổ khi anh ăn sáng đến bốn lần để tiếp các đoàn khách cấp trên khác nhau. “Bất luận là các vị thần tiên từ đâu đến, một Bí thư huyện như tôi đây dù có ở nhà cũng phải tiếp đón, ăn tối bốn hoặc năm lần là chuyện thường tình” - tờ Bán Nguyệt Đàm số ra tháng 12-2012 dẫn lời một bí thư huyện than thở. Việc tháp tùng lãnh đạo đã trở thành luật bất thành văn đối với quan chức địa phương đến nỗi không ai có thể khước từ.

Chuyện bình thường đáng sợ nhất với nhà lãnh đạo cơ sở này là bị... phồng rộp hết cả da khi phải cùng các lãnh đạo cấp trên tắm suối nước nóng đến tám lần trong một ngày! Và tắm tất nhiên là còn phải ăn sáng, ăn tối nhiều lần như trên. 

Rượu Mao Đài bị cấm

Các quan chức Trung Quốc còn bị cấm  uống Mao Đài nhằm giảm thiểu những chi tiêu không cần thiết. Thành phố Thượng Hải sẽ không sử dụng rượu Mao Đài trong các cuộc hội nghị như trước đây. Cuối năm ngoái, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành luật cấm các cơ quan Chính phủ không được mua các mặt hàng xa xỉ tuy nhiên lại không quy định rõ tiêu chuẩn nên rượu Mao Đài vẫn được sử dụng trong các cuộc họp.

Theo xếp hạng 10 mặt hàng cao cấp của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận, rượu Mao Đài, quốc tửu của người Trung Quốc là một trong các mặt hàng xa xỉ chỉ đứng sau các thương hiệu như Louis Vuitton, Hermes và BMW. Mặc dù từ trước tới nay bản thân rượu Mao Đài không phải là mặt hàng xa xỉ nhưng do giá cả ngày càng tăng nên nó được coi như một mặt hàng cao cấp, uống rượu Mao Đài cũng được xem là cách thể hiện "đẳng cấp".

Đề xuất cấm uống rượu này được đưa ra tại cuộc họp đại biểu Hội đồng nhân dân TP Thượng Hải lần thứ 13. Một bình rượu Mao Đài hiện nay giá khoảng 2.000 NDT (khoảng 220 USD) và không phải là một loại rượu trắng thông thường như trước kia khiến nhiều người dân đã có ý kiến về việc quan chức Nhà nước sử dụng loại rượu với giá đắt đỏ này trong các cuộc hội nghị.

Theo “quy định 15 điều” do chính quyền Thủ đô Bắc Kinh ban hành, lãnh đạo thành phố phải hạn chế các hội nghị tốn kém, giảm số người tháp tùng, đơn giản hóa việc tiếp đón lãnh đạo. Thay vì các bữa tiệc linh đình khi đi cơ sở các quan chức Bắc Kinh  sẽ phải tự hài lòng với các bữa ăn tự chọn đơn giản. Trước đó, vào giữa tháng 7-2012, chính quyền Trung Quốc từng ra lệnh cấm đưa món súp vây cá mập vào các bữa tiệc chính thức. Các tỉnh khác của Trung Quốc cũng bắt đầu ban hành các chính sách khắc khổ đi theo quyết định từ Trung ương.

Tỉnh Giang Tô ban hành chế độ ăn uống hạn chế tương tự Bắc Kinh. Đầu tháng này, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã đưa tin bữa ăn của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khi ông ăn uống tại một quán cà phê ở Thâm Quyến. “Một số người xem hành động của ông như là một nỗ lực để khuyến khích các quan chức bỏ thói quan liêu và ý thức hơn về quyền lợi được hưởng của mình”, Tân Hoa Xã nhận định.  

Nguồn tin báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng cho biết Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đang quyết tâm thực hiện các biện pháp tiết kiệm sau cuộc gặp nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Tập Cận Bình tiết lộ hồi đến Cuba năm ngoái, cả đoàn quan chức Trung Quốc rất ngạc nhiên khi ông Raul Castro chỉ tổ chức một bữa tiệc mừng rất nhỏ trong dinh thự giản dị của ông. Ông Tập Cận Bình cũng rất ấn tượng với việc Tổng thống Nga Putin không thích chặn giao thông để đoàn xe của ông dễ dàng di chuyển quanh điện Kremlin, một trong những khu vực đông đúc nhất ở Matxcơva.

Quân đội còn cấm chặt hơn

Quy định hạn chế chi tiêu công còn được áp dụng với cả các quan chức trong quân đội. Theo Nhân Dân Nhật Báo, Quân ủy trung ương Trung Quốc đã ban hành 10 quy tắc hạn chế việc sử dụng phung phí công quỹ. 

Theo đó, không được ăn uống, rượu chè, thiết tiệc trong các kỳ họp, rượu và các bữa ăn sơn hào hải vị sẽ bị loại khỏi thực đơn trong bàn tiệc của quân đội, không trải thảm hoa đón khách, không bày hoa, không tổ chức đội tiêu binh tiếp đón khách hoặc lãnh đạo đến thăm và làm việc với các đơn vị. Cũng sẽ không còn tình trạng người dân phải dạt ra hai bên để nhường đường cho các chiếc xe mang biển số quân đội. Không còn cảnh quan chức trong ngành quân đội lưu trú tại các khách sạn xa hoa trong các chuyến đi thị sát thực tế. Không còn các chuyến công tác, các chuyến đi nước ngoài dài ngày, các buổi hội họp và cả các bài báo cáo dài lê thê. Vợ con của các tướng lĩnh cấp cao cũng phải vào “khuôn phép” để tránh nhận hối lộ dưới mọi hình thức.

Khó cho doanh nghiệp

Tuy nhiên có một thực tế là  loạt quy định mới ban hành trong những ngày gần đây với mục đích ngăn chặn nạn tham nhũng và hạn chế sự phô trương quyền thế của Chính phủ nước Trung Quốc đã ảnh hưởng không ít tới các doanh nghiệp chuyên phục vụ quan chức. Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, nhu cầu tiêu thụ rượu bia sụt giảm, thị trường chứng khoán rượu cũng trở nên tồi tệ hơn.  Giới phân tích nước này tiên đoán, trong thời gian ngắn, ngành sản xuất đồ uống có cồn cao cấp sẽ phải đối mặt với áp lực tăng trưởng doanh thu khi các đối tượng tiêu thụ công bị cấm cấm tiệc, cấm sử dụng rượu bia trong các hoạt động của họ.

Sau khi các tờ báo thị trường đưa tin quy định này, các loại rượu đắt đỏ nhất của Trung Quốc đã rớt giá 5-10% do mất đi một lượng khách hàng tiềm năng có sức tiêu thụ lớn. Trang Tài chính đưa tin, do ảnh hưởng của “lệnh cấm” này, cổ phiếu của các hãng rượu danh tiếng đồng loạt giảm mạnh, đứng đầu là Công ty rượu Mao Đài (Quý Châu) giảm 5.55%, Dương Hà giảm 4.97%, Ngũ Lương Dạ, Sơn Tây Phấn Tửu, Lô Châu Lão Điếu đều mất giá 3%. Cổ phiếu của các thương hiệu rượu bia nổi tiếng của Trung Quốc đồng loạt giảm giá.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Truyền thống của Trung Quốc và đây là mùa cao điểm bán hoa vì hầu hết các cuộc họp chính thức sẽ được trang trí rất lộng lẫy bằng hoa tươi để đón chào năm mới.  Thế nhưng, “Chúng tôi đã không nhận được bất cứ đơn đặt hàng nào từ các cơ quan Nhà nước”, một nhân viên của siêu thị buôn hoa cảnh Laitai ở Bắc Kinh than thở, “Thông thường vào thời điểm này trong năm, chúng tôi luôn nhận được đơn đặt hàng kiểu như vậy”.