Tên lửa YJ-12 của Trung Quốc không được xếp vào Top đầu thế giới

ANTĐ - Ngày 23/01, tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Anh Jane’s Denfence Weekly đã có bài phân tích tính năng và khẳng định: Tên lửa chống hạm YJ-12 của Trung Quốc còn xa mới sánh được với BrahMos của Ấn Độ.

Tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Anh Jane’s Denfence Weekly số ra tháng 2 đã có bài viết phân tích về tính năng của tên lửa chống hạm siêu âm “Ưng Kích-12” (YJ-12) của Trung Quốc, nội dung bài viết khẳng định, tuy Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ các nước chế tạo được tên lửa siêu âm nhưng tính năng của YJ-12 chỉ ngang với loại tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan và loại tên lửa không đối hạm XASM-3 của Nhật, chứ chưa so được với các loại tên lửa khủng của Nga và của Ấn Độ.

Tạp chí Jane’s cho biết, YJ-12 xuất hiện lần đầu tiên dưới dạng mô hình từ triển lãm hàng không Chu Hải năm 2000, cho đến nay mới bắt đầu thử nghiệm tên lửa thật. Nó được thiết kế kiểu 2 động cơ phản lực xung áp nhưng những bức ảnh chụp gần đây nhất đã cho thấy tên lửa đã được sửa đổi thiết kế thành kiểu 4 động cơ, có vẻ nó đã được copy từ loại tên lửa Kh-31 mà Trung Quốc mua của Nga vào năm 2006 và 2007.

Tên lửa không đối hạm XASM-3 của Nhật 

Số liệu của Jane’s cho biết, “Ưng Kích-12” có trọng lượng vào khoảng 2-2.5 tấn, chiều dài đạn 7m, tốc độ bay từ 2-3 Mach, tầm bắn từ 250-500km. Theo số liệu này thì trọng lượng, kích thước của nó lớn hơn rất nhiều so với Kh-31 (phiên bản Trung Quốc của loại tên lửa này chính là “Ưng Kích-91” tức YJ-91).

Ngoài ra, có 1 số thông tin cho biết, hiện Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển một loại tên lửa chống hạm phóng thẳng đứng với phiên hiệu là YJ-18, có kích thước và trọng lượng tương đồng với loại tên lửa Kh-41 hay còn gọi là SS-N- 22 “Sunburn” lắp đặt trên tàu khu trục lớp “Hiện Đại (Sovremenny) mà Trung Quốc mua lại của Nga.

Jane’s khẳng định, nếu “Ưng Kích-12” thử nghiệm thành công, Trung Quốc sẽ gia nhập hàng ngũ các nước chế tạo được tên lửa siêu âm, nhưng tính năng của YJ-12 chỉ ngang với loại tên lửa hạm đối hạm Hùng Phong-3 của Đài Loan và loại tên lửa không đối hạm XASM-3 của Nhật, chứ chưa so được với các loại tên lửa khủng của Nga và của Ấn Độ.

Tên lửa đối hạm YJ-12 của Trung Quốc

Hơn nữa, hiện sự tin cậy vào “Ưng Kích-12” đang bị đánh dấu hỏi khi tháng 11/2012, Một quan chức quốc phòng Nga cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua các hệ thống động cơ của tên lửa chống hạm Kh-31. Điều đó chứng tỏ, các động cơ xung áp thể tích nhỏ của Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu chất lượng, công nghệ vật liệu động cơ của Trung Quốc còn kém phát triển dẫn đến trọng lượng và kích thước tên lửa quá lớn so với các loại tên lửa cùng thế hệ và làm quá tải các động cơ Ramjet vốn đã yếu kém của họ. Một lần nữa, bài toán động cơ lại làm đau đầu ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không giải quyết được những vấn đề mấu chốt về động cơ thì họ luôn phải phụ thuộc vào nước ngoài và không bao giờ vươn lên được Top đầu thế giới về công nghệ hàng không và tên lửa.