Tên lửa "xịt" đốt hàng tỷ đô la của hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ vừa duyệt chi số tiền một tỷ USD nhằm phát triển hệ thống tên lửa chống radar tên gọi Alliant Techsystems, bất chấp những khiếm khuyết không nhỏ, phát lộ trong quá trình thử nghiệm loại vũ khí mới này.

Được đầu tư nghiên cứu chế tạo với mục đích chọc thủng hệ thống phòng không dày đặc của đối phương, tên lửa chống radar được xem là một trong những loại vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, ngay chính Michael Gilmore, người đứng đầu các hoạt động thử nghiệm của Lầu Năm Góc cũng thừa nhận: “Vũ khí mới bộc lộ nhiều thiếu sót trong quá trình thử nghiệm”.

Mỹ chi tỷ đô phát triển tên lửa 'xịt'
Tên lửa dẫn đường chống radar

Việc duyệt chi tiền tỷ nhằm tiến tới việc sản xuất loại tên lửa mới trong khi những thiếu sót của tên lửa dẫn đường chống radar chưa được khắc phục gây ra khá nhiều quan ngại. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ lại ra tuyên bố khẳng định, với 600 giờ thử nghiệm cùng 12 lần bắn thử các mẫu tên lửa cho thấy, tên lửa mới đã sẵn sàng được sản xuất.

Trong tuyên bố qua email, Đại tá Cate Mueller, phát ngôn viên Hải quân cho biết: “Những cuộc thử nghiệm cho thấy loại tên lửa mới này đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực qua mặt hệ thống phòng không đối phương”. Bản sửa các lỗi được nêu ra trong những đánh giá của người đứng đầu các thử nghiệm của Lầu Năm Góc, sẽ được chuyển giao vào năm 2015.

Tên lửa dẫn đường chống radar là phiên bản nâng cấp của loại tên lửa HARM do tập đoàn Raytheon nghiên cứu chế tạo. Alliant Techsystems sẽ được trang bị hệ thống thu và truyền tín hiệu hiệu hiện đại và hiệu quả hơn, giúp nó phát hiện và né tránh radar cũng như hệ thống phòng không di động của đối phương.

Trong quá khứ, những thử nghiệm đối với Alliant Techsystems bị buộc phải dừng lại vào năm 2010 sau 6/12 lần thử nghiệm thất bại, bộc lộ hàng loạt thiếu sót của trên lửa chống radar. Sau thời gian cải tiến, khắc phục, những lần thử nghiệm tiếp theo của Alliant Techsystems sẽ được tiến hành trong năm nay và các năm tới.

Trong khi đó, phía Mỹ đã chấp thuận việc bán 2.000 tên lửa chống radar cho Hải quân và Không quân Italy vào năm 2020. Được kỳ vọng có khả năng xuyên thủng hệ phống phòng không dày đặc và tinh vi của các nước như Trung Quốc, Syria hay Iran, tên lửa mới chắc chắn sẽ là thứ vũ khí mà các nước châu Âu và đồng minh của Mỹ ở châu Á và Trung Đông muốn sở hữu. Nếu khắc phục được các khiếm khuyết, rất có thể Alliant Techsystems sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới mang tính toàn cầu, nhằm tạo ra những hệ thống phòng không cản bước Tên lửa dẫn đường chống radar.