Tehran bác bỏ cáo buộc Nga vận chuyển vũ khí tới Armenia qua Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại sứ quán Iran tại Azerbaijan ngày 7-9 lên tiếng bác bỏ thông tin xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông nói rằng, Nga đã vận chuyển thiết bị quân sự đến Armenia qua Iran.
Binh sĩ Armenia đóng quân tại một địa điểm ở Nagorno - Karabakh

Binh sĩ Armenia đóng quân tại một địa điểm ở Nagorno - Karabakh

“Những cáo buộc của một số phương tiện truyền thông về việc Nga chuyển vũ khí và thiết bị quân sự qua cửa khẩu Nurduz của Iran tới Armenia là không có cơ sở. Việc đưa tin tức sai sự thật như vậy được thực hiện bởi các thế lực thù địch, những kẻ phản đối việc nối lại quan hệ Tehran-Baku, và nhằm mục đích làm mất uy tín hợp tác của hai nước cũng như gây tổn hại cho mối quan hệ đang phát triển”, một nguồn tin từ đại sứ quán Iran ở Azerbaijan nêu rõ.

Trước đó, trong cuộc điện đàm chúc mừng người đồng cấp Azerbaijan nhậm chức hôm 16-7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ Tehran sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Cộng hòa Azerbaijan và Armenia, liên quan đến căng thẳng mới đây giữa hai nước này.

Ngoại trưởng Iran cũng nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng quan hệ song phương giữa Tehran và Baku. Bên cạnh đó, ông Zarif còn bày tỏ lấy làm tiếc về các cuộc đụng độ gần đây giữa quân đội Azerbaijan và Armenia, khiến một số binh sĩ hai bên thiệt mạng.

Armenia và Azerbaijan đã vướng vào cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập kỷ liên quan tranh chấp Nagorno - Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có phần lớn dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây, do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.