Tàu ngầm Nhật vượt trội, ngay cả khi Trung Quốc mua được Amur

ANTĐ - Ngày 24/03, tờ Yomiuri Shimbun cho biết, để tăng cường phòng thủ các cụm đảo phía tây nam Nhật Bản đặc biệt là quần đảo Senkaku, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ xem xét khả năng tăng thêm số lượng tàu ngầm và cấp tốc huấn luyện nhân viên mới.

Yomiuri Shimbun tiết lộ, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đến trước năm 2021, sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc hiện nay lên con số 22 chiếc, số lượng thủy thủ và nhân viên phục vụ theo đó cũng tăng thêm khoảng 400 người nữa.

Trong tác chiến tàu ngầm, một thủy thủ hoặc nhân viên thao tác cần phải có ít nhất khoảng 5 năm kinh nghiệm trở lên mới được coi là đủ tiêu chuẩn, vì thế Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cấp tốc tuyển chọn và huấn luyện thêm nhân viên mới.

Thông tin cho biết, tại căn cứ huấn luyện tàu ngầm của lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đóng ở Thành phố Kure - Hiroshima, các thành viên mới tuyển mộ vào lực lượng tàu ngầm (chủ yếu là thanh niên) đang tiến hành thực nghiệm trên các thiết bị bằng gỗ, mô phỏng hệ thống đo đạc và các bảng điều khiển trên loại tàu ngầm thế hệ mới nhất, hiện đại nhất của Nhật Bản là tàu ngầm AIP lớp Soryu.

Tàu ngầm Soryu thứ 5 mang số hiệu 505 của Nhật vừa bàn giao ngày 06/03 vừa qua

Phương pháp huấn luyện tiên tiến hiện nay là sử dụng các thiết bị giống hệt các thiết bị thật được sản xuất rời hoặc tích hợp theo các Modul huấn luyện nhưng hiện Nhật Bản mới sản xuất được chiếc tàu ngầm Soryu thứ 5 và đang tập trung toàn bộ nhân lực vật lực để chế tạo tàu ngầm chiến đấu thực thụ nhằm nâng cấp thần tốc lực lượng tàu ngầm tác chiến nên không đủ thiết bị huấn luyện.

Hơn nữa số lượng nhân viên tham gia huấn luyện cũng tăng nhanh từ 100 người trong năm 2012 đến 170 người vào đầu tháng 3 năm nay dẫn đến tình trạng thiếu thiết bị huấn luyện ngày càng thêm trầm trọng. Vì vậy, Nhật phải khẩn trương chế tác các bảng điều khiển thủ công để sử dụng cho công tác này.

Theo số liệu được công bố, tàu ngầm Soryu có lượng giãn nước 2900 tấn (khi lặn 4000 tấn), được chế tạo trên cơ sở tàu ngầm lớp “Oyashio”, sử dụng công nghệ động lực không cần không khí (AIP), hay còn gọi là động cơ tuần hoàn khép kín, sử dụng chính CO2 giải phóng trong quá trình đốt nhiên liệu để tái sinh ôxy, vì vậy giúp cho tàu có khả năng tác chiến ngầm rất lâu mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí.

Tàu ngầm Soryu đầu tiên của Nhật mang số hiệu 501

Ngày 25/03, Nga vừa lên tiếng phủ nhận việc đã ký hợp đồng bán tàu ngầm AIP Amur 1650 cho Trung Quốc. Đây là loại tàu ngầm mà Trung Quốc đang “khát” để đối chọi với tàu ngầm Soryu của Nhật. Nếu Trung Quốc không mua được loại tàu này thì coi như khu vực biển nước nông ở biển Hoa Đông đã thành “vương quốc” của tàu ngầm Nhật.

Hiện lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản đã sở hữu 5 tàu ngầm loại này (được đánh số từ 501 - 505) trong tổng số 10 tàu dự định đóng. 5 tàu còn lại Nhật Bản dự định đến năm 2015 sẽ hoàn tất để chính thức đi vào phục vụ trong lực lượng hải quân.

Kể cả sau này Nga có đồng ý bán thì sớm nhất là 5 năm sau Trung Quốc mới có đủ 4 tàu, lúc đó với tỷ lệ 4/10 (chưa tính trong giai đoạn sau năm 2015 có thể Nhật sẽ đóng thêm), liệu tàu ngầm Trung Quốc có khả năng tung hoành được ở biển Hoa Đông hay không?