Tàu ngầm Ấn Độ trong mắt truyền thông nước mình: “không lặn cũng… chìm”

ANTĐ - Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, những nỗ lực tuyệt vọng của hải quân nước này nhằm cứu “trục vớt” lực lượng tác chiến ngầm của nước này đã gặp phải hiểm họa kép.

Theo tin của tờ “Thời báo Ấn Độ” ngày 09/06, đầu tiên là dự án chế tạo 6 chiếc tàu ngầm AIP lớp Scorpene tiếp tục bị trì hoãn từ 14 - 18 tháng nữa. Theo kế hoạch mới nhất, chiếc đầu tiên trong loạt 6 chiếc này sẽ được Công ty trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Mazagón Dock hoàn thành sớm nhất vào tháng 11 năm 2016.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là kế hoạch mới điều chỉnh này của dự án đóng 6 tàu ngầm tàng hình sử dụng hệ thống động lực không cần không khí AIP và có năng lực tấn công mặt đất rất mạnh này vẫn bị sa lầy trong sự thờ ơ chính trị và thói quan liêu. Sau khi nhận được quy chế đặc cách “Dự án cần thiết phải phê chuẩn”, nó nằm chết dí vì còn phải trải qua sự thẩm định của 3 Ủy ban nữa.

Thứ hai là, Bộ Tài chính Ấn Độ lại một lần nữa trả lại hồ sơ của một kế hoạch phát triển tàu ngầm khác là Dự án mang mã số P-75I (Công trình 75 - Ấn Độ) có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ Rupee (khoảng 8,75 tỷ USD) và đề nghị Bộ Quốc phòng phải giải thích thêm. Một vị quan chức cho biết: “Ủy ban an ninh của nội các vẫn còn đang cày đi, xới lại dự thảo ý kiến chất vấn về “Dự án P-75I” và hiệnvẫn chưa thấy bất kỳ hy vọng giải quyết nào.

Tàu ngầm AIP lớp Scorpene hiện đang đóng của hải quân Ấn Độ


Thư mời thầu quốc tế cần phải được sự phê duyệt của Ủy ban an ninh nội các rồi mới được phát hành, nếu như tại thời điểm này Ấn Độ công bố “Dự án P-75I” thì ít nhất cũng phải mất 3 năm sau mới lựa chọn được đối tác nước ngoài để ký hợp đồng, sau đó cũng phải mất thêm 7-9 năm nữa mới hoàn tất chiếc tàu ngầm đầu tiên. Vì vậy, sớm nhất là năm 2023 Ấn Độ mới có chiếc đầu tiên thuộc Dự án này.

Kế hoạch đóng 6 tàu ngầm lớp Scorpene, do tổng vốn đầu tư đã vượt qua 230 tỷ Rupee, thời hạn chậm trễ so với kế hoạch cũ những 4 năm đã gióng lên những hồ chuông báo động. Hiện nay, hải quân Ấn Độ chỉ có 14 tàu ngầm thông thường đã lão hóa, bao gồm 10 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và 4 tàu ngầm đã cũ do Nhà máy đóng tàu Horvath của Đức đóng.

Tuy hải quân Ấn Độ đã tiến hành nhiều hạng mục cải tạo, nâng cấp để kéo dài tuổi thọ nhưng đa số các tàu này cũng sẽ về hưu trong vài năm nữa. Trong khi đó, Trung Quốc và Pakistan đang đóng hàng loạt tàu ngầm hiện đại để tăng cường sức mạnh cho lực lượng tác chiến ngầm của họ.

Tàu ngầm S-63 Sindhurakshak lớp Kilo đã được nâng cấp để kéo dài tuổi thọ


“Thời báo Ấn Độ” cho biết, ngay từ năm 1999, Ủy ban an ninh nội các Ấn Độ đã từng phê chuẩn một kế hoạch đóng tàu ngầm dài hạn trong 30 năm. Kế hoạch này đặt ra mục tiêu đến trước năm 2012 sẽ đưa vào phục vụ 12 tàu ngầm, sau đó đến năm 2030 sẽ hoàn tất nốt 12 chiếc nữa. Thế nhưng, sự thiếu quyết đoán và kế hoạch của Chính phủ đã làm cho 14 năm trôi qua mà lực lượng hải quân nước mình không hề nhận được 1 chiếc tàu ngầm nào!

Dự báo cho thấy, đến năm 2020, hải quân Ấn Độ chỉ còn lại 5-6 chiếc trong tổng số 14 tàu ngầm hiện đang sử dụng là còn hoạt động được. Giả sử đến lúc đó, vài chiếc tàu ngầm Scorpene đã được đưa vào sử dụng cũng chẳng thấm tháp gì vì để đối phó với sự uy hiếp của tàu ngầm Trung Quốc và Pakistan, hải quân Ấn Độ phải có ít nhất 18 tàu ngầm thông thưởng trở lên. Đến giai đoạn đó, lực lượng tác chiến ngầm của Ấn Độ đã tụt hậu rất xa so với 2 đối thủ nặng ký của mình.