Tàu chiến và máy bay Hàn Quốc: Lựa chọn tối ưu cho Đông Nam Á

ANTĐ - Theo đà phát triển của nền kinh tế và độ “nóng” dần lên của tình hình khu vực, các quốc gia Đông Nam Á đang ồ ạt đầu tư nâng cấp vũ khí trang bị. Trong tiến trình hiện đại hóa quân đội của các nước ASEAN, tàu chiến và máy bay Hàn Quốc đang ngày càng được hoan nghênh.

Ngược lại, Hàn Quốc cũng coi đây là cơ hội bành trướng thị phần vũ khí, thông qua xuất khẩu tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay để đạt mục tiêu đến năm 2020 tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vũ khí, đạt mức 4 tỷ USD. 

Máy bay huấn luyện siêu âm T-50 “Golden Eagle” của KAI có giá 25 triệu USD/chiếc

Đồng thời, người Hàn cũng nhắm đến một mục đích khác là tăng cường quân lực cho các nước ASEAN để phân tán quân lực của Trung Quốc, một đối thủ cũng có tranh chấp lãnh hải với họ ở khu vực Đảo Ieodo.

Đây là một hòn đảo chìm 4,6 m so với mực nước biển, nằm ở phía nam đảo Jeju và trong khu vực chồng lấn của vùng đặc quyền kinh tế hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn Quốc hiện quản lý Ieodo, do vị trí địa lý gần với đảo này hơn các nước khác.

Tuy cả 2 bên đều có những mục đích riêng nhưng sự xuất hiện của vũ khí Hàn Quốc ở Đông Nam Á sẽ là chiến lược đôi bên cùng có lợi, người Hàn đạt được mục đích chiến lược của mình còn Đông Nam Á thì nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị. Hiện nay, bất kể là tàu mặt nước, tàu ngầm hay máy bay chiến đấu của Hàn Quốc đều không hề thua kém các quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới.

Máy bay huấn luyện là trọng điểm xuất khẩu đầu tiên của Hàn Quốc sang Đông Nam Á. Gần đây, Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán các điều khoản hợp đồng bán 12 chiếc FA-50 cho Philippines. Đây là loại máy bay chiến đấu cải tiến từ máy bay huấn luyện chiến đấu phản lực siêu âm T-50 “Golden Eagle” của Công ty công nghiệp hàng không Hàn Quốc (KAI), loại máy bay này có giá xấp xỉ 30 triệu USD/chiếc.

Máy bay chiến đấu F/A-50 có giá chưa đến 30 triệu USD/chiếc

Sau khi bàn giao 16 chiếc máy bay huấn luyện sơ cấp KT-1 “Woongbi” cho Indonesia, ngay trong năm 2011, KAI lại giành được hợp đồng trị giá 400 triệu USD, để bán tiếp 16 chiếc máy bay huấn luyện phản lực siêu âm T-50 cho Indonesia.

Hiện nay, KAI đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Đông Nam Á, còn ASEAN cũng giúp KAI trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Hàn Quốc. Hiện Thái Lan cũng là một bạn hàng tiềm năng của KAI với 2 loại sản phẩm là T-50 và máy bay trực thăng đa năng Surion.

Hiện Hàn Quốc cũng đang tập trung vào các thị trường vũ khí giá rẻ, một minh chứng cho điều này là KAI đã ký hợp đồng trị giá 200 triệu USD để bán 20 chiếc KT-1 cho một quốc gia Nam Mỹ là Peru.

Các loại máy bay huấn luyện của Hàn Quốc trong thời bình được sử dụng làm phương tiện huấn luyện nhưng nó có đầy đủ tính năng của một máy bay chiến đấu siêu âm, trong thời chiến chỉ cần gắn vũ khí vào là có thể sử dụng như một tiêm kích hạng nhẹ tốc độ siêu âm mà giá lại rất rẻ, 1 chiếc KT-1 chỉ có giá 10 triệu USD, mỗi chiếc T-50 có tính năng giống hệt một máy bay chiến đấu thực thụ có giá 25 triệu USD/chiếc, còn máy bay chiến đấu phản lực tốc độ siêu âm hoàn chỉnh như F/A-50 cũng chưa đến 30 triệu USD.

Tàu ngầm lớp 209 (CAKRA) mang tên KRI.CAKRA-401 của hải quân Indonesia

Ngoài máy bay ra, trọng điểm xuất khẩu thứ 2 của Hàn Quốc là tàu mặt nước và tàu ngầm, đây là lĩnh vực mà Hàn Quốc có trình độ công nghệ rất cao. Năm 2012, Hàn Quốc đã giành được hợp đồng trị giá 940 triệu USD để đóng 4 tàu dầu cho hải quân Hoàng gia Anh, đánh dấu một dấu mốc lịch sử trong công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc.

Sau châu Á, châu Phi, họ đã chinh phục được thị trường khó tính và có rất nhiều hãng đóng tàu nổi tiếng của Anh, Pháp, Thụy Điển, Tây Ban Nha... Điều này đã chứng tỏ, công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc hoàn toàn đủ trình độ cạnh tranh trên tầm thế giới.

Năm 2011, Công ty kỹ thuật hàng hải và đóng tàu Daewoo (Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co) thuộc Tập đoàn Daewoo, đã xuất khẩu sang Indonesia lô tàu ngầm 3 chiếc, lớp 209 phiên bản cải tiến mới nhất, trị giá 1,1 tỷ USD. Trước đây Indonnesia cũng đã mua 2 chiếc tàu ngầm lớp 209/1300 từ Đức năm 1981.

Tàu ngầm lớp 209 do Viện thiết kế Ingenieur Kontor Lübeck (IKL) thuộc tập đoàn Howaldtswerke-Deutsche Werft (HDW) của Đức thiết kế, dựa trên phiên bản của tàu ngầm Type 206 trước đó. Đây cũng là nhà sản xuất loại tàu ngầm AIP hiện đại lớp 214 hiện đang phục vụ trong lực lượng hải quân Hàn Quốc.

Tàu ngầm AIP lớp 214 do công ty HDW - Đức thiết kế trong biên chế hải quân Hàn Quốc

Loại xuất sang Indonesia do Hàn Quốc tự đóng theo chuyển giao thiết kế kỹ thuật của công ty HDW, khi về Indonesia nó được định danh thuộc lớp Cakra. 

Tàu có độ choán 1.810 tấn, chiều dài 64,4 m, chiều rộng 6,5 m cao 6,2 mét. Thủy thủ đoàn 33 người. Chiếc tàu ngầm này có khả năng lặn đến độ sâu tối đa là 500 mét, đạt tốc độ tối đa 20 km mỗi giờ khi nổi và 38,7 km mỗi giờ khi lặn.

Tầm hoạt động của Cakra đạt tới 20.000 km khi chạy nổi ở tốc độ 20 km mỗi giờ, 15.000 km khi chạy có ống thông hơi, ở tốc độ 20 km mỗi giờ và 700 km, nếu lặn sâu với tốc độ 7 km mỗi giờ.

Về hệ thống vũ khí, tàu ngầm lớp Cakra được trang bị 8 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533 mm, với 14 quả. Ngoài ra, ống phóng ngư lôi có thể được sử dụng để phóng tên lửa chống ngầm UGM-84 Harpoon và rải mìn với cơ số lên tới 28 quả, tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng.

Đầu tháng 3 này, Bộ Quốc phòng Philippines cũng ngỏ ý muốn mua hai chiếc khinh hạm (tàu hộ vệ) thế hệ mới của Hàn Quốc thuộc lớp Incheon để nâng cấp lực lượng tàu tác chiến mặt nước. Loại tàu hộ vệ của Hàn Quốc được lựa chọn để thay thế cho loại tàu hộ vệ cũ lớp Maestrale trước đây Philippines dự định mua lại của Italia.

Tàu hộ vệ tàng hình đa năng lớp Incheon

“Incheon” có chiều dài 114,3m, lượng giãn nước 3250 tấn, tầm hoạt động 8000km. Với lượng giãn nước lớn, tầm hoạt động rất xa và hệ thống vũ khí rất mạnh, “Incheon” có thể đảm nhận các nhiệm vụ tuần tra ven biển, tác chiến chống ngầm, tác chiến phòng không và yểm trợ vận tải, hiện nó được đánh giá là tàu hộ vệ hiện đại nhất nhì châu Á.

Hệ thống vũ khí trên lớp tàu này bao gồm: pháo hạm 127mm kiểu Mk 45 Mod 4, hệ thống tên lửa Mk 49 RIM-116 của hãng Raytheon, hệ thống pháo phòng không tầm gần Phalanx Block 1B, 2 hệ thống phóng tên lửa chống hạm tầm trung SSM-700K, 2 hệ thống phóng ngư lôi hạng nhẹ K745 “Blue Shark”, hệ thống phóng này còn có khả năng phóng cả tên lửa tấn công đối đất “Dragon”.

Ngoài ra, hàng loạt quốc gia Đông nam Á khác như Malaysia, Philippines đang rất quan tâm đến các tàu tác chiến và tàu chi viện của Hàn Quốc.