Tàu chiến Trung Quốc suýt va chạm chiến hạm Mỹ ở eo biển Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Global News, ở thời điểm xảy ra sự cố, tàu chiến Trung Quốc chỉ còn cách khu trục hạm USS Chung-Hoon thuộc lớp Arleigh Burke Mỹ 137 m, đây là một khoảng cách được coi là nguy hiểm khi hải hành trên biển.

Đoạn video do Global News ghi lại từ khinh hạm HMCS Montreal của Canada cho thấy một tàu chiến Trung Quốc đã tăng tốc và cắt ngang mũi khu trục hạm USS Chung-Hoon (DDG-93) Mỹ khi nó và chiến hạm HMCS Montreal đi qua eo biển Đài Loan ngày 3/6.

Chỉ huy tàu HMCS Montreal, hạm trưởng Paul Mountford, mô tả đây là hành động "không chuyên nghiệp".

Khoảnh khắc suýt va chạm giữa tàu chiến Trung Quốc và chiến hạm Mỹ
Khoảnh khắc suýt va chạm giữa tàu chiến Trung Quốc và chiến hạm Mỹ

Khi nhận thấy tàu chiến Trung Quốc thay đổi hướng đi, hạm trưởng Paul Mountford cho biết thủy thủ đoàn đã liên lạc với tàu Mỹ và đề nghị họ di chuyển nếu không sẽ xảy ra va chạm. Phía chiến hạm Mỹ phản ứng bằng cách yêu cầu tàu chiến Trung Quốc tránh xa con tàu, nhưng khu trục hạm Chung-Hoon cuối cùng vẫn phải đổi hướng và giảm tốc độ để tránh tai nạn.

Khoảng cách giữa tàu chiến Trung Quốc và chiến hạm Mỹ ở thời điểm xảy ra sự cố chỉ khoảng 137 m, USS Chung-Hoon đã phải giảm tốc độ xuống còn 10 hải lý/giờ để tránh xảy ra va chạm.

Tàu chiến Trung Quốc suýt va chạm chiến hạm Mỹ trên eo biển Đài Loan ngày 3/6.

Khu trục hạm USS Chung-Hoon và Montreal hoạt động cùng nhau gần một tuần ở Biển Đông trước khi đi qua eo biển Đài Loan. Global News cho hay đã nhiều lần chứng kiến các tàu chiến Trung Quốc theo sát tàu Canada trong quá trình này.

Theo hạm trưởng Paul Mountford, tàu Trung Quốc đã cảnh báo cả tàu Canada và Mỹ qua hệ thống vô tuyến rằng họ đang đi vào lãnh hải nước này, mặc dù nhiệm vụ tuần tra chung diễn ra ở vùng biển được quốc tế công nhận.

"Tôi hy vọng đó là một sự cố tương tự sẽ không xảy ra thêm lần nữa với chúng tôi, bởi chúng tôi có luật pháp quốc tế đứng về phía mình. Đây là vùng biển quốc tế", hạm trưởng Paul Mountford nói.

Khu trục hạm USS Chung-Hoon lớp Arleigh Burke nổi tiếng của hải quân Mỹ
Khu trục hạm USS Chung-Hoon lớp Arleigh Burke nổi tiếng của hải quân Mỹ

Arleigh Burke là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường (DDG) đầu tiên của Mỹ được chế tạo trên nền tảng hệ thống chiến đấu Aegis. Đây là một trong những tổ hợp tác chiến hiện đại và phức tạp nhất thế giới, biến khu trục hạm lớp Arleigh Burke thành một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo do Mỹ phát triển.

Lớp Arleigh Burke cũng là nền tảng để các quốc gia đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước chủ lực.

Điểm nhấn của tàu Burke là hệ thống radar Aegis, nó có thể chỉ huy nhiều loại tên lửa phòng không tấn công mục tiêu đang tiếp cận.

Tàu được trang bị 6 ngư lôi đối ngầm Mk.46. Các máy bay trực thăng săn ngầm MH-60R trên tàu có khả năng săn ở tầm xa. Ngoài ra tàu còn được trang bị pháo hạm lớn và các loại tên lửa đối không, đối đất và đối hạm.