Sức ép lãi suất năm 2023 là rất lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ giảm lãi suất huy động mà nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay. Dù vậy, theo việc giảm lãi suất trên diện rộng vẫn là một thách thức lớn khi áp lực vẫn chưa thực sự hạ nhiệt.

Quyết liệt "ghìm cương" lãi suất

Từ ngày 1/1/2023, Ngân hàng Vietcombank đã triển khai chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh mới tại Vietcombank, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Thời gian giảm đến hết ngày 30/4.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Vietcombank, hệ thống Vietcombank sẽ tự động giảm lãi suất cho vay các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.

“Trong năm 2023, Vietcombank sẽ vẫn tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cạnh tranh nhất so với thị trường nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh" - ông Tùng nói thêm.

Một ngân hàng khác cũng vừa công bố chương trình giảm lãi suất là SeABank. Ngân hàng này cho biết, ngoài chương trình hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước, SeABank đã chủ động xây dựng các chương trình giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp lên tới 2%/năm.

Chương trình giảm lãi suất sẽ áp dụng cho nhiều đối tượng khách hàng tại nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh trong đó ưu tiên đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh. Đối với các khách hàng cá nhân, mức giảm lãi suất SeABank dự kiến áp dụng cũng lên tới 1% cho các nhu cầu vốn.

Nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất

Nhiều ngân hàng đã công bố các chương trình giảm lãi suất

Trước đó, ngành ngân hàng đã có động thái “bắt tay nhau” để cùng ghìm cương lãi suất huy động. Theo đó, các ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng đã cam kết không đưa lãi suất huy động vượt 9,5%/năm kể cả các chương trình khuyến mại.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội đã nhận được văn bản cam kết lãi suất huy động không cao quá 9,5%/năm của hơn 20 tổ chức tín dụng. Đến nay, nhiều ngân hàng đã thông báo công khai hạ lãi suất huy động từ 1 - 2,5%/năm so với trước, lãi suất cho vay cũng được giảm theo.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm các chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hướng đồng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa…); tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định Ngân hàng nhà nước sẽ theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.

Khó đi ngược xu hướng thế giới

Dù vậy, cơ quan quản lý cũng thừa nhận nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2023 là rất khó khăn.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, năm 2023, kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái. Dự kiến, Fed sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Như vậy, mặt bằng lạm phát cao còn tiếp tục duy trì, kéo theo xu hướng lãi suất cao và dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ và tác động nhanh, mạnh của lãi suất cao sẽ không như năm 2022.

Trong nước, lạm phát lõi có dấu hiệu đáng quan ngại với mức tăng liên tục, mạnh, sẽ tạo áp lực lạm phát vòng 2 rất lớn trong năm 2023. Thêm vào đó, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay chiếm gần 190% GDP), áp lực nhập khẩu lạm phát lớn lên mặt bằng lãi suất năm 2023.

Do đó, dù khẳng định Ngân hàng Nhà nước luôn cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nhưng trong điều hành tín dụng NHNN sẽ không chủ quan với rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Đối với lãi suất, theo ông Phạm Chí Quang, xu hướng lãi suất trên thị trường quốc tế còn tăng. Việt Nam khó đi ngược xu thế, dòng chảy chung của thế giới.

“Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành Ngân hàng trong năm 2023”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang nói.