Tăng trưởng mạnh trong đại dịch, người tiêu dùng mua gì qua thương mại điện tử?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dù đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất từ trước đến nay nhưng thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng chưa phát huy được. Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn nhưng chủ yếu là hàng rẻ tiền, giá trị không cao.
Ngày càng nhiều người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến

Ngày càng nhiều người tiêu dùng thích mua sắm trực tuyến

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa công bố Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2022. Báo cáo EBI cho biết, dù nền kinh tế trong hơn 2 năm qua rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định.

Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Báo cáo cho biết, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo.

Và mức giá trên sàn TMĐT Việt Nam nửa đầu năm 2022, phân khúc giá 200.000 - 5.000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn. Những sản phẩm có giá trị cao, cần sự tư vấn và bảo hành lâu dài thì người tiêu dùng vẫn ưu tiên mua sắm tại hệ thống cửa hàng, showroom uy tín...

Thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại rải rác trong năm để kích cầu mua sắm, đại diện sàn TMĐT Shopee cũng cho hay, các ngành hàng như: sắc đẹp, nhà cửa và đời sống, thời trang được quan tâm nhiều nhất, trong đó các sản phẩm như chăm sóc da mặt, phụ kiện thời trang và các mặt hàng tắm và chăm sóc cơ thể được người dùng lựa chọn mua sắm nhiều nhất. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng cũng đang khám phá và mua sắm từ các thương hiệu Shopee Mall.

Đồng quan điểm này, bà Vũ Thị Minh Phú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngày càng coi trọng và đầu tư vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên TMĐT. Do đó, các mặt hàng có thương hiệu, có giá trị cũng bán chạy hơn. Đơn cử tổng doanh thu và số lượng mua sắm trên gian hàng chính hãng Lazamall năm 2021 tăng hơn gấp đôi. Trong đó, tổng số đơn hàng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2020, cho thấy những e ngại của người tiêu dùng khi mua “hàng đắt tiền” trên sàn TMĐT đã giảm xuống.

Theo bà Lê Minh Trang- đại diện hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, chất lượng hàng hóa online vẫn là một trong những mối bận tâm của người tiêu dùng nhưng vấn đề này không còn đáng ngại như trước.

“Những lo lắng của người tiêu dùng như về chất lượng hàng hoá, độ tin cậy… đến nay đã giảm bớt. 3 yếu tố then chốt để người tiêu dùng quyết định mua hàng trực tuyến là: giá cả, chất lượng và thời gian giao hàng"- bà Lê Minh Trang nói.

Theo báo cáo EBI, tốc độ tăng trưởng của TMĐT năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ “làn sóng thứ hai”.

“Làn sóng thứ hai” của TMĐT diễn ra từ tháng 6 - 9/2021 trùng với đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Trong thời gian diễn ra “làn sóng” này, toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh TMĐT bị tác động nghiêm trọng, nhưng đông đảo các thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.

“Người tiêu dùng trực tuyến trong thời gian quý III-2021 đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất (từ tháng 2 - 4/2020) đã thúc đẩy TMĐT phát triển nhanh và vững chắc hơn”- báo cáo EBI cho biết.

Cho rằng TMĐT còn nhiều dư địa để phát triển, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM nhận định, sau đại dịch Covid-19 môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng cũng nhanh chóng thay đổi theo. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số cũng như công nghệ số đã có những chuyển biến đáng kể khiến các doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng, đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung nhưng cũng là biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy phục hồi cũng như tăng trưởng kinh tế đột phá sau đại dịch.