Tăng tốc về đích trong cuộc chạy đua tìm vaccine phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 100 triệu liều vaccine sẽ được chuyển đến Ấn Độ ngay sau khi được cơ quan quản lý trong nước của Nga cho phép. Theo Sputnik, Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn lời quan chức Chính phủ cho biết Công ty Dược phẩm Dr Reddy’s Laboratories của nước này đã đệ đơn lên Tổng cục Kiểm soát Dược phẩm (DCGI) xin thử nghiệm vaccine Sputnik V ngừa bệnh Covid-19 của Nga.
Một tình nguyện viên được tiêm thử vaccine ngừa Covid-19 giai đoạn ba ở Florida (Mỹ)

Một tình nguyện viên được tiêm thử vaccine ngừa Covid-19 giai đoạn ba ở Florida (Mỹ)

Ấn Độ: Đăng ký thử nghiệm vaccine Sputnik V

Cơ quan quản lý y tế của Ấn Độ đã bác đề nghị của Dr Reddy’s Laboratories xin thử nghiệm ngay giai đoạn 3 của vaccine Sputnik V tại Ấn Độ, yêu cầu họ phải thực hiện đầy đủ cả giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Trước đó, Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) và Dr Reddy’s Laboratories đã thỏa thuận thử nghiệm lâm sàng đối với loại vaccine trên.

Tính đến thời điểm này, Ấn Độ đang tiến hành thử nghiệm 3 loại vaccine ngừa SARS-CoV-2 bao gồm 2 Công ty Bharat Biotech và Zydus Cadila đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine Covaxin và ZycovD do họ nghiên cứu, trong khi Viện Huyết thanh của Ấn Độ đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine ChAdOx1 của trường Đại học Oxford (Anh) tại 17 trung tâm y tế và đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 3. Viện Huyết thanh Ấn Độ hiện đang hợp tác với 5 công ty dược phẩm quốc tế để phát triển vaccine ngừa Covid-19, trong đó có AstraZeneca và Novavax.

Nga: Phê chuẩn vaccine mang tên EpiVacCorona

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã phê chuẩn vaccine thứ hai ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Phát biểu tại một cuộc họp Chính phủ, Tổng thống V.Putin chúc mừng các nhà khoa học nước này - “Chúng ta cần tăng sản xuất vaccine thứ nhất và thứ hai. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài và quảng bá vaccine của mình ra thế giới”. Vaccine thứ 2 mang tên EpiVacCorona do Trung tâm Nghiên cứu virus học Vektor ở Siberia bào chế, vaccine này được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10.000 liều, bắt đầu vào tháng 11-2020.

Trước đó, hồi tháng 8-2020, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa Covid-19, mang tên Sputnik V. Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine Sputnik V. Trong khi đó, tại Anh, cơ quan an ninh MI5 cho biết đang nỗ lực bảo vệ công trình nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 của nước này chống lại các thế lực thù địch đang tìm cách đánh cắp hoặc phá hỏng dữ liệu nghiên cứu trong cuộc chạy đua tìm vaccine toàn cầu.

Hiện vaccine của Đại học Oxford phối hợp với Công ty Dược phẩm AstraZeneca đang trong các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, trong khi một vaccine khác của Đại học Imperial London đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Tổng Giám đốc MI5 Ken McCallum cho biết: “Rõ ràng cái giá toàn cầu của việc sở hữu một đầu tiên có thể sử dụng được để chống lại loại virus chết người này là rất lớn..., và có một loạt mối đe dọa đối với công trình nghiên cứu vaccine”.

Cuộc chạy đua toàn cầu về vaccine Covid-19 đang diễn ra với tốc độ chưa từng có

Cuộc chạy đua toàn cầu về vaccine Covid-19 đang diễn ra với tốc độ chưa từng có

Indonesia: Công ty Dược phẩm Nhà nước công bố giá vaccine ngừa Covid-19

Công ty Bio Farma cho biết, vaccine ngừa Covid-19 của một nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có giá khoảng 200.000 Rupiah (13,57 USD) mỗi liều. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bio Farma, ông Honesti Basyir cho biết, giá trên được tính dựa vào một E-mail gần đây của Sinovac Biotech - nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng tại Indonesia. Ông Honesti cũng bác bỏ báo cáo theo đó Brazil sẽ nhận được loại vaccine tương tự của Sinovac với giá chỉ 1,96 USD/liều. Theo ông Honesti, Sinovac thông báo chỉ riêng chi phí vận chuyển đã lên tới 2 USD mỗi liều và đang kiểm tra nguồn gốc của báo cáo trên.

Người đứng đầu hãng dược quốc doanh hàng đầu Indonesia khẳng định rằng quyết định giá bán vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng dựa trên số tiền đầu tư vào giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng và kiểm tra tính hiệu quả. Trong khi đó, Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) thông báo có kế hoạch đến thăm các cơ sở của Sinovac ở Bắc Kinh nhằm đảm bảo việc phát triển và sản xuất vaccine đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Viện nghiên cứu đánh giá thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm thuộc Hội đồng Hồi giáo Ulema Indonesia (LPPOM MUI) cũng có kế hoạch đánh giá việc đáp ứng tiêu chuẩn của vaccine ngừa Covid-19.

Tính đến giữa tháng 10, giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 của Hãng Sinovac vẫn đang được tiến hành tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java của Indonesia, với 843 tình nguyện viên đã được tiêm mũi thứ hai, trong khi 449 người khác đang được theo dõi chuẩn bị cho mũi tiêm thứ hai. Theo kế hoạch, ít nhất 1.620 tình nguyện viên sẽ tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng này, trong đó mỗi người sẽ được tiêm hai mũi trong vòng 6 tháng. Nhóm phụ trách cuộc thử nghiệm này cho biết hiện chưa ghi nhận bất kỳ phản ứng phụ nào trên các tình nguyện viên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 của Sinovac.

Anh phát triển xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 trong 5 phút

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford (Anh) vừa phát triển bộ xét nghiệm nhanh bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có thể xác định một người nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không chỉ chưa đầy 5 phút. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford cho biết, xét nghiệm này có thể sử dụng tại sân bay hoặc doanh nghiệp, đồng thời hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất bộ xét nghiệm thử nghiệm vào đầu năm 2021 và bộ xét nghiệm được phê duyệt vào 6 tháng sau đó. Theo các nhà nghiên cứu, thiết bị này có thể phát hiện viurs SARS-CoV-2 với độ chính xác cao.

Giáo sư Achilles Kapanidis thuộc khoa Vật lý của trường ĐH Oxford khẳng định phương pháp này có thể nhanh chóng phát hiện các phân tử virus còn nguyên vẹn. Điều này có nghĩa bộ xét nghiệm cho kết quả cực nhanh và tiết kiệm chi phí. Các xét nghiệm kháng nguyên được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng, nhất là khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, trong khi dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.

Các xét nghiệm được sử dụng hiện nay cho kết quả nhanh hơn và rẻ hơn song lại thiếu tính chính xác so với xét nghiệm PCR. Mặc dù bộ xét nghiệm của Đại học Oxford phải tới năm 2021 mới được đưa vào sử dụng, song nó sẽ góp phần quản lý dịch bệnh vào mùa đông năm tới.