Tăng tiền ăn cho VĐV chuẩn bị SEA Games 26: Mỏi mòn chờ đợi

ANTĐ - Danh sách tham dự SEA Games đã chốt, chỉ tiêu cũng đã đề ra, song việc đề xuất tăng tiền ăn lên 350.000 đồng/người/ngày bao giờ được áp dụng vẫn còn rất mơ hồ.

Việc tăng tiền ăn chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến thành tích và tâm lý thi đấu của các tuyển thủ

(Ảnh minh hoạ)

Không thể “phá rào”

Trước đó, dựa trên đề nghị của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL đã có tờ trình gửi Bộ Tài chính đề xuất tăng tiền ăn cho VĐV chuẩn bị SEA Games như mọi năm. Theo đó, mức dự kiến là 240.000 đồng/người/ngày (thay thế mức 120.000 đồng/người/ngày ban hành từ năm 2008) và 350.000 đồng/người/ngày áp dụng cho 3 tháng trước mỗi đại hội thể thao thay vì 200.000 đồng/người/ngày như quy định hiện nay. Ngay sau đó, tiền ăn đã tăng lên 200.000 đồng/người/ngày từ 1-6 (vẫn thấp hơn 40.000 đồng so với dự thảo), nhưng còn mức tăng trong giai đoạn tiền SEA Games 26 vẫn chưa thể áp dụng.

Không khí tập luyện tại các trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia đang nóng lên từng ngày, bởi các đội tuyển đều tăng cường độ tập lên mức cao nhất hướng tới SEA Games 26. Nhưng rõ ràng, việc vẫn chỉ nhận được chế độ tiền ăn 200.000 đồng/người/ngày đang ảnh hưởng không nhỏ đến cả thành tích lẫn tâm lý tập luyện và thi đấu của các tuyển thủ. Cùng với đó là việc các trung tâm huấn luyện TDTT quốc gia phải đau đầu với bài toán: đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các tuyển thủ trong thời buổi mọi thứ đều tăng giá. “Dù rất mong muốn VĐV sớm được tăng tiền ăn song với quyền hạn của mình, Tổng cục TDTT chỉ biết… chờ. Bởi không thể “phá rào” tăng tiền ăn cho VĐV do trái quy định và cũng không có kinh phí”, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng chia sẻ. 

Cơ chế trì trệ

Là người từng nhiều năm gắn bó với thể thao Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh bức xúc: “Để một đề xuất (liên quan đến tài chính) đi vào thực tế phải trải qua rất nhiều “cửa ải” thủ tục rườm rà. Theo tôi được biết, việc đề nghị tăng tiền ăn trong 3 tháng cho các tuyển thủ trước các kỳ  SEA Games được Chính phủ hoàn toàn ủng hộ. Có điều, những bộ máy thực thi nó, mà cụ thể ở đây là Bộ Tài chính lại thể hiện sự trì trệ và thiếu nghiêm túc trong quá trình giải quyết. Thực tế này tồn tại từ lâu và đó là một phần nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế”.

Những người có trách nhiệm thường lý giải về việc chậm chễ tăng chế độ tiền ăn là do kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, phải thắt chặt chi tiêu… Ai cũng biết, việc tăng chế độ dinh dưỡng cần phải thực hiện sớm nhằm giúp VĐV có đủ thời gian tích lũy nhưng năm nào cũng vậy, từ chế độ ăn đến thuốc bổ vẫn phải chờ cận ngày lên đường mới được duyệt. Thử hỏi, tác dụng khi đó mang lại liệu có nhiều? Sự thật đằng sau sự lý giải thoạt nghe có vẻ như rất hợp lý kia, lại là một sự lãng phí lớn.