Tăng mức xử phạt vi phạm kiểm toán độc lập lên tối đa 3 tỷ đồng, doanh nghiệp lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các doanh nghiệp kiểm toán lo lắng khi Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm kiểm toán độc lập tối đa lên 3 tỷ đồng với tổ chức và 1,5 tỷ đồng với cá nhân.

Nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập (đã có hiệu lực từ 1/1/2012).

Sau nhiều vi phạm liên quan đến kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính đánh giá các quy định hiện hành về xử lý vi phạm kiểm toán độc lập chưa đủ răn đe và có kẽ hở. Các doanh nghiệp kiểm toán đều không sợ và không ngại vi phạm quy định của Luật kiểm toán độc lập cũng như các văn bản hướng dẫn.

Do đó, Bộ Tài chính cho biết cần thiết sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, theo hướng bổ sung hình thức xử phạt và tăng mức độ xử lý với kiểm toán viên, doanh nghiệp vi phạm.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tiền lệ của các quy định liên quan khác (như quy định về xử phạt vi phạm đối với lĩnh vực chứng khoán), Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập một số nội dung gồm: thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập là 10 năm; mức phạt tiền tối đa 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân…

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán...

Cá nhân vi phạm quy định của Luật này tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm đối với hoạt động kiểm toán độc lập

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm đối với hoạt động kiểm toán độc lập

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, cả nước hiện có khoảng 2.400 kiểm toán viên hành nghề được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, hơn 220 doanh nghiệp kiểm toán được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán.

Đến tháng 5/2024, đã có 6.387 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên của Việt Nam; trong đó, 2.501 người đang làm việc trong các doanh nghiệp kiểm toán.

Từ năm 2013 đến nay, 114 kiểm toán viên đã bị đình chỉ hành nghề kiểm toán, 3 doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán, 3 doanh nghiệp kiểm toán bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Một số trường hợp bị phản ánh là có liên quan đến các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, như Công ty Kiểm toán Thăng Long - TDK, Công ty Kiểm toán - Tư vấn Tài chính quốc tế, "đại án" tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)...

Doanh nghiệp lo lắng

Góp ý về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, các doanh nghiệp kiểm toán (VAE, AASCS, Tri Thức Việt, A&C, An Việt, Chuẩn Việt, CAF) vừa có phản ánh về đề xuất xử phạt 3 tỷ đồng là quá cao so với đặc điểm hoạt động của kiểm toán. Mức phạt 1,5 tỷ đồng cũng rất cao với cá nhân kiểm toán viên, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sự gắn bó nghề nghiệp của người làm nghề.

Theo VACPA, kiểm toán viên hành nghề do doanh nghiệp, ban lãnh đạo doanh nghiệp kiểm toán phân công. Doanh nghiệp kiến nghị, ban soạn thảo cần làm rõ hành vi vi phạm dẫn tới cá nhân bị phạt tiền.

VACPA đề nghị Bộ Tài chính làm rõ cơ sở đề xuất mức phạt và cần tổ chức họp, lấy ý kiến doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên để đánh giá sự phù hợp, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, kiểm toán viên.

Tuy nhiên, trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết dự thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số lĩnh vực như chứng khoán, thuế và thông lệ quốc tế của các nước (thường quy định mức phạt tiền rất cao).

Thời gian qua, một số trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề kiểm toán cho một số đơn vị có lợi ích công chúng hoặc lĩnh vực chứng khoán vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp, nhưng mức xử phạt hiện chưa đảm bảo mức răn đe như thông lệ quốc tế.

“Không phải tất cả hành vi đều bị xử lý ở mức tối đa, chỉ các vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp mới bị xử phạt như đề xuất”, Bộ Tài chính cho biết.

Một trong những vấn đề doanh nghiệp kiến nghị là thời hiệu xử phạt 10 năm quá dài so với một số lĩnh vực khác (ví dụ lĩnh vực thuế chỉ quy định 5 năm từ ngày vi phạm). Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của VACPA và rút ngắn thời hiệu xử phạt về mức 5 năm.