Tăng huy động vốn để làm gì?

ANTĐ - Đó là câu hỏi được các chuyên gia kinh tế đặt ra trong bối cảnh chỉ tiêu huy động vốn của các ngân hàng đã vượt 11,23% so với kế hoạch trong khi tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 2%. 

Các ngân hàng chạy đua huy động vốn (ảnh minh họa)

Chạy đua huy động vốn

Trung tuần tháng 9-2012, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường liên ngân hàng giảm so với tuần đầu tháng ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, với kỳ hạn qua đêm, lãi suất giảm 0,05%; 3 tuần giảm 0,41%; riêng kỳ hạn 3 tháng, lãi suất bình quân giảm tới 3,11% xuống còn 8,89%. Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất kỳ hạn 3 tuần và 1 tháng cũng giảm lần lượt là 0,36% và 0,37%. Đó là do tác động của Thông tư 21/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước nhằm lập lại trật tự thị trường vay vốn liên ngân hàng. 

Tuy nhiên, sự ổn định trên không kéo dài, nhu cầu tiền đồng không vì thế mà giảm xuống. Nhiều ngân hàng đã thỏa thuận ngầm mức lãi suất huy động 11-12% cho những khoản gửi vài trăm triệu đồng ở kỳ hạn ngắn. Và họ càng mạnh tay hơn với “cào ngay trúng thưởng” hoặc chi tiền mặt phần chênh lãi suất cho khách hàng khi đáo hạn. Tại kỳ hạn dài, cuộc đua lãi suất huy động tái lập mốc 13%/ năm. Bên cạnh đó, những khách hàng gửi tiền với số lượng lớn, khách hàng  thường xuyên được các ngân hàng chăm sóc chu đáo. 

Lý giải cho việc đẩy mạnh huy động vốn này, ông Nguyễn Minh Tâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sacombank cho hay, cuối năm là thời điểm các công ty, doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thu mua nguyên liệu, chi trả tiền lương thưởng, đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định. Vì vậy, Sacombank huy động vốn sẵn để đáp ứng nhu cầu khách hàng gia tăng qua kênh tín dụng ngân hàng. 

Còn theo ông Nguyễn Minh Toàn - Tổng Giám đốc ngân hàng Á Châu (ACB), huy động vốn để tăng khả năng cạnh tranh. Ngân hàng nào huy động được nhiều vốn hơn thì đảm bảo hệ số an toàn hơn, tính chủ động của ngân hàng cao hơn. Song cũng có ý kiến cho rằng, có thể do một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng không trả nợ đúng hạn, trong khi ngân hàng vẫn phải trả lãi cho người gửi nên tăng huy động vốn để “bù trừ”.

Tiền chạy lòng vòng trong các ngân hàng

Tính đến ngày 7-9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 1,82%. Trong khi sức mua trên thị trường yếu, tồn kho nhiều, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng thì việc tăng huy động vốn này là không đúng với quy luật. Tại cuộc tọa đàm mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng: “huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn dậm chân tại chỗ chứng tỏ vốn vẫn dùng vào đảo nợ và chạy lòng vòng trong thị trường tài chính”. 

Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng một phần nhỏ tiền đang chạy lòng vòng trong hệ thống liên ngân hàng. Còn phần lớn khác, quan trọng hơn, tiền đang ở một thị trường vô hình khác, liên quan đến sở hữu chéo, tức là các ngân hàng rót vào đầu tư để mua cổ phần, cổ phiếu của nhau. Bên cạnh đó, có hiện tượng một số ngân hàng trước đây cho vay vượt quá tỷ lệ vốn huy động, thậm chí vượt hơn 100% mà số này lại đang nằm trong nợ xấu của các doanh nghiệp nên các ngân hàng phải vay để bù vào phần thiếu hụt này. Theo ông Hiếu, cũng không loại trừ trường hợp các ngân hàng khó khăn về thanh khoản. 

Bên cạnh đó, tác động của giá cả thị trường khiến người dân cần một lượng tiền lớn hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Một số khác lại muốn rút tiền từ ngân hàng để đầu tư sang vàng. Điều này khiến các ngân hàng phải tìm cách giữ chân khách. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền đang tràn trề trong các ngân hàng, song thực tế, lại chỉ có một số ngân hàng lớn “dư dả”, một số ngân hàng nhỏ vẫn có tình trạng “đói” vốn. Để tăng vốn, các ngân hàng nhỏ thúc đẩy huy động vốn với lãi suất cao, khiến các ngân hàng lớn cũng phải hùa theo hút khách. Các ngân hàng nhỏ đang làm nhiệm vụ dẫn dắt thị trường. Đó là điều bất thường trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại.