Tăng gần 6.000 đồng/lít trong 3 tháng qua, giá xăng dầu gây áp lực lớn lên lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giá xăng đã tăng gần 6.000 đồng mỗi lít trong 3 tháng qua và giá dầu diezel tăng trên 6.000 đồng/lít trong 3 tháng đầu năm 2022 đã tác động khá lớn đến giá cả tiêu dùng. Cùng với giá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ khác đang nhích lên, áp lực kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay là rất lớn.
Giá xăng dầu chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"

Giá xăng dầu chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"

Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I của Việt Nam tăng khá thấp (1,92%), nước ta đã vượt qua "bão giá" của khu vực và trên thế giới.

Các yếu tố làm tăng CPI chủ yếu trong quý I là: giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezel tăng 6.060 đồng/lít.

Bình quân quý I-2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại thì CPI cũng giảm nhờ giá một số nhóm hàng đi xuống như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; giá thịt chế biến giảm 4,63%;

Giá dịch vụ giáo dục cũng giảm. Đặc biệt, giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07 điểm phần trăm.

Bà Nguyễn Thu Oanh- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, CPI tháng 3 tăng mạnh chủ yếu do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu.

Dự báo về CPI các tháng tới, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, gần 200% so với GDP, trong bối cảnh hàng hóa thế giới tăng cao như hiện nay thì rủi ro nhập khẩu lạm là không thể tránh khỏi.

Hiện giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng rất cao, thêm vào đó chiến sự Nga- Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, nhất là mặt hàng xăng dầu sẽ tạo áp lực lên chi phí tiêu dùng dân cư.

“Mặt khác, dù Việt Nam là quốc gia có sự chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao trong CPI nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng từ giá của thế giới, nên áp lực lạm phát năm nay đạt được mục tiêu 4% là không đơn giản” – bà Nguyễn Thu Oanh nhấn mạnh.

Để kiểm soát lạm phát, Tổng cục Thống kê khuyến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo nguy cơ giá cả lạm phát của Việt Nam, kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào khi tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

“Đặc biệt, việc điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý trong thời điểm lạm phát tăng cao thì cũng nên cân nhắc”- Tổng cục Thống kê nói.