Tận mắt xem cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên

ANTĐ - Đám ma khô là lễ cúng để thả hồn người chết về với tổ tiên, cội nguồn, mong linh hồn người chết được siêu thoát, tìm được đường về yên nghỉ với tổ tiên và phù hộ cho gia đình. Nếu không làm lễ cúng này sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn...

Ngày 14-10, khi rong ruổi trên những cung đường đầy hoa, xen giữa đá núi tuyệt đẹp, bất ngờ chúng tôi được chứng kiến một lễ cúng ma khô - Một phong tục độc đáo của người H'Mông ở xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Theo phong tục, lễ cúng ma khô là tục lệ tiễn linh hồn người chết về với tổ tiên. Từ “ma” nghĩa là “đangz”, từ “khô” nghĩa là “kruôr”, diễn xuôi theo tiếng Kinh là “ma khô”. 

Khác với đám ma tươi tổ chức khi người chết vẫn còn ở trong nhà, đám ma khô là lễ cúng cuối cùng ngụ ý để thả hồn người chết về với tổ tiên, cội nguồn, mong sao linh hồn người chết được siêu thoát, tìm được đường về yên nghỉ với tổ tiên và phù hộ cho gia đình... 

Khi có một người trong làng chết đi, thầy cúng sẽ làm lễ hứa với con ma đó sau 12 ngày sẽ làm lễ ma khô, để mong linh hồn người đã khuất được siêu thoát và gia đình có tang sẽ không bị ma theo quấy rối. 

Tận mắt xem cúng ma khô, thả hồn người chết về với tổ tiên ảnh 1

Lễ cúng đặt ngay tại khu bếp, Hết một lời cúng lại một lần rót rượu mời người chết uống, xúc một thìa cơm, thịt, mời linh hồn người chết ăn.

Sau khi chôn cất 12 ngày, gia chủ nếu không đủ điều kiện tổ chức lễ ma khô thì có thể nhờ thầy cúng làm lễ gia hạn (còn gọi là lễ hứa lại), sau 1 tháng hay vài năm cũng được, nếu không làm sẽ bị ma quấy rối không cho làm ăn.

Sáng sớm hôm diễn ra lễ ma khô, gia đình có người chết đến mộ lấy hai mảnh tre đặt cạnh mộ (hai mảnh tre buộc chéo nhau, tượng trưng cho linh hồn người chết) mang về nhà. 
Về đến nhà, thầy cúng đặt hai mảng tre xuống nền nhà và bắt đầu làm lễ khấn gọi hồn người chết về. Nếu mảnh tre đổ úp, nghĩa là linh hồn đã về đựơc đến nhà, nếu mảnh tre đổ ngửa là linh hồn ngưòi chết còn ở bên ngoài, thầy cúng sẽ phải khấn cho đến khi mảnh tre đặt xuống đổ úp mới thôi.

Sau khi “gọi hồn” thành công, người nhà dựng thành hình con bù nhìn có đủ áo quần và khăn vấn đầu từ hai mảnh tre đó, đặt đứng trong một cái mẹt để giữa nhà, xung quanh đặt cơm, rượu, thịt rồi bắt đầu làm lễ cúng.

Lễ bắt đầu với bài khèn cúng “ma khô”. Thầy cúng đi vòng quanh nhà rồi mới vào nhà. Thầy cúng, thầy khèn, thầy kèn cùng xoay người múa may, làm lễ, họ mời người chết về ăn để rồi ra đi thanh thản, không lưu luyến trần gian… Hết một lời cúng lại một lần rót rượu mời người chết uống, xúc một thìa cơm, thịt, mời linh hồn người chết ăn.

Trong khi đó, những người thân trong gia đình sẽ khóc than bằng thứ ngôn ngữ riêng để thể hiện lòng tiếc thương. Lễ cúng diễn ra ngay tại khu bếp của gia đình, giữa tiếng khóc ai oán, tiếng kèn sầu thảm trong không gian tối om lập loè ngọn đèn dầu...