Tại sao hơn một nửa dân số Nga luyến tiếc thời kỳ Xô viết?

ANTD.VN - Căn cứ theo kết quả được tổng hợp của nhiều cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội, có hơn 50% người Nga luyến tiếc thời kỳ Xô viết - ngay cả đối với những người chưa bao giờ sống trong thời kỳ đó. 

Các nhà xã hội học nói rằng, thái độ đó là một sự phản ánh những thách thức kinh tế hiện nay mà nước Nga đang phải đối mặt cũng như phản ánh hiện tượng huyền bí của Liên Xô trong thời đại bùng nổ văn hóa hiện nay.

Anh Marat kể, khi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô gồm Nga, Ukraine và Belarus ký hiệp định Belavezha ngày 8-12-1991, chính thức giải thể Liên bang Xô Viết, anh chỉ mới một vài tháng tuổi, anh không hề biết đến cuộc sống ở Liên Xô. Tuy nhiên, anh nói rằng anh nhớ đất nước đó.

Một nam giới bên các biểu tượng của Liên Xô (Ảnh: RIA Novosti)

Hiện Marat đã 25 tuổi, anh làm việc trong một cơ quan bộ của nước Nga, hài lòng với mức lương và đời sống của mình, nhưng vẫn tin rằng mọi thứ chắc phải tốt hơn trong xã hội Xô viết.

"Giáo dục miễn phí, y tế, thuốc men miễn phí…" - Marat nói và liệt kê những ưu điểm của nhà nước Xô Viết. "Người ta sống khiêm tốn nhưng nhà nước đã chăm sóc họ. Còn bây giờ tiền kiểm soát tất cả mọi thứ, sự bất bình đẳng gần như trở thành hiện tượng xã hội phổ biến. Ai mạnh thì người đó đúng. Nó không giống như thời kỳ Liên Xô".

Tiếc thương quá khứ

Marat là không phải là người duy nhất có tâm trạng nhung nhớ đó.

Theo các cuộc điều tra xã hội học, hơn 50% người Nga lấy làm tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô. Trong một cuộc thăm dò dư luận tiến hành vào tháng 4-2016 do Trung tâm Levada, có đến 56% số người được hỏi cho biết họ muốn Liên Xô vẫn còn tồn tại.

Quan trọng hơn, kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Dư luận toàn Nga (VTsIOM) cho thấy 64% người Nga cho biết sẽ bỏ phiếu cho sự bảo tồn của Liên bang Xô viết nếu một cuộc trưng cầu dân ý lại được tiến hành ở thời điểm hiện tại.

Cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin (người cầm giấy) đang phát biểu trước công chúng năm 1991 (Ảnh: RIA Novosti)

Điều tương tự đã từng diễn ra (tất nhiên kết quả là hoàn toàn khác) trong những cuộc trưng cầu từng tổ chức vào ngày 17-3-1991. Khi đó các công dân Liên Xô được yêu cầu xem xét liệu có cần thiết duy trì tình trạng chính trị hiện tại hay không để bảo vệ đất nước.

Những nỗi nhớ về thời kỳ Xô viết diễn ra cao nhất trong số người Nga bước qua tuổi 55 và những người sống ở các vùng nông thôn, theo nhà xã hội học Karina Pipiya thuộc trung tâm Levada.

Nhưng có một tỷ lệ dân số như Marat - những người người trẻ tuổi, thành công, hoà nhập tốt trong xã hội hiện đại và những người không biết gì về xã hội Liên Xô – lại luyến tiếc nó. Ông Mikhail Mamonov, Giám đốc của dự án nghiên cứu VTsIOM cho hay, 50% những người trẻ được khảo sát về chủ đề này, đồng tình với ý kiến của anh Marat.

Luyến tiếc quá khứ đi đôi với cảnh nghèo túng

Mamonov nói rằng những người nhìn nhận tích cực về Liên Xô luôn luôn chỉ ra: "Thời kì đó, mức lương không cao nhưng được bảo đảm cho bạn về bảo hiểm về việc làm...". Ngày nay, trong thời đại nền kinh tế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt, làm mọi người muốn được sống và hưởng những ưu việt của xã hội Liên Xô.

Trung tâm khảo sát Levada cho thấy, nỗi nhớ về Liên Xô đạt đỉnh điểm vào năm 2000, khi 75% dân số cho biết họ rất tiếc vì nó giải thể. Trong suốt những năm 2000, mức độ của nỗi nhớ giảm, đạt mức thấp nhất trong năm 2012 - nhưng thậm chí sau đó, 49% dân số vẫn bày tỏ sự hối tiếc về sự tan vỡ của Liên Xô. Mức nỗi nhớ đã bắt đầu tăng trở lại bắt đầu từ năm 2014.

Hơn một nửa người dân Nga vẫn hoài niệm chế độ xã hội chủ nghĩa của thời Liên bang Xô viết (Ảnh: Sputnik)

Ông Mikhail Mamonov lý giải rõ ràng rằng, những thăng trầm về kinh tế chính là yếu tố đứng đằng sau nỗi nhớ Liên Xô. Trong năm 2000, tỷ lệ người Nga sống ngang hoặc dưới mức nghèo đã chạm đáy. Sau đó, khi thu nhập bắt đầu tăng lên, ít người khao khát quá khứ hơn. Với sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế, nỗi nhớ trở lại.

Nhớ về một huyền thoại 

Nina Mechtaeva, 65 tuổi, đã sống phần lớn cuộc đời của bà ở Liên Xô, nhưng không giống như nhiều đồng nghiệp của mình, bà không có mong muốn trở về thời đại cũ.

Bà Mechtaeva nói: "Chắc chắn, tất cả mọi thứ bây giờ không phải là hoàn hảo. Nhưng những người nói Liên Xô “tuyệt vời”, là đã quên đi thực tại của cuộc sống thời điểm đó. Dòng người liên tục xếp hàng tại các cửa hàng và bệnh viện, những cuộc họp mà người tham gia, nói về những chuyện mà bản thân họ chưa chắc đã tin. Đất nước khi đó đã đóng cửa đối với phần còn lại của thế giới".

Theo ý kiến của Mechtaeva, nhiều người tuổi bà, những người muốn quay trở lại Liên Xô, thực tế chỉ nhớ thương tuổi trẻ của họ.

Mamonov đồng ý rằng hình ảnh của Liên Xô rõ ràng khác với đất nước hôm nay, hình ảnh Liên Xô được xây dựng quả là rất lý tưởng, tất cả những yếu tố tích cực được phóng đại còn những tiêu cực hoặc bị quên hoặc bị giảm bớt sự khốc liệt”.

Khao khát không có nghĩa là phấn đấu hướng tới

Mặc dù sự phổ biến trong ký ức của thời kỳ Xô viết là có thật, trong đó người ta kết nối mạnh mẽ với các yếu tố tích cực của chủ nghĩa xã hội, các phong trào chính trị cánh tả Nga hiện đại là không thành công. Đảng Cộng sản Nga, vốn xem mình như lực lượng kế thừa của Đảng Cộng sản Liên Xô, chỉ nhận được 13% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 18-9 của  Duma Quốc gia - giảm 6% từ tháng 12-2011.

"Tình yêu của Liên Xô không ảnh hưởng đến sự thành công của cánh tả hôm nay, cho dù họ đang tồn tại dưới hình thức Đảng hoặc các đoàn thể Cộng sản Nga", Mamonov nói. "Trong ý thức quần chúng, họ không có mối dây liên hệ với Liên Xô". Hơn nữa, ông nói thêm, "với tất cả tình yêu mà người Nga đã cho Liên Xô, tỷ lệ áp đảo đa số 70-75% nói rằng sẽ không bao giờ quay trở lại với nó".

Các sản phẩm mang thương hiệu Xô viết ngày nay đang hiện hữu phổ biến ở Nga

Vào tháng 7-2016, công ty DVA MECHYA (Two Balls) tung ra cửa hàng trực tuyến (tại địa chỉ https://www.dvamyacha.ru) để bán giày thể thao của mình. Các sản phẩm của công ty được thực hiện với công nghệ từ những năm 1970, và có thiết kế theo kiểu Liên Xô.

"Điều này vừa là một đóng góp cho di sản thời xã hội chủ nghĩa vừa thể hiện nỗi nhớ cho chất lượng", thông báo trên trang web cửa hàng cho biết.

Vào tháng 2-2016, một kế hoạch đã được công bố để phục hồi lại Zenit, một loại máy ảnh gương lật từng làm nên niềm tự hào về hàng Liên Xô. Tổng công ty Rostekh dự định khoác cho thương hiệu Zenit diện mạo một máy ảnh sang trọng, tương tự như những gì Leica – Đức đã làm.

Rất nhiều thương hiệu khác của Liên Xô vẫn còn tồn tại ở nước Nga ngày nay: vodka Stolichnaya, sâm banh Sovetskoye, pho mát chế biến thương hiệu Druzhba và sôcôla Alyonka đều đã từng xuất hiện trên các kệ hàng của Liên Xô và vẫn có thể được tìm thấy trong các cửa hàng Nga ngày nay.

Một điều thú vị nữa là rất nhiều tiêu chuẩn của Liên Xô cũng đang dần được hồi sinh trong các lĩnh vực khác của cuộc sống. Trong năm 2014, Tổng thống Vladimir Putin đã mang lại thời Xô Viết chương trình thể thao GTO, một từ viết tắt tiếng Nga "Sẵn sàng cho công việc và quốc phòng".

Chương trình bao gồm 11 loại tiêu chuẩn sức khỏe cho cả nam giới và phụ nữ, từ học sinh đến người cao tuổi. Ông Putin nói rằng ông đã hồi sinh chương trình để quảng bá thể thao và khuyến khích mọi người được khỏe mạnh.