Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh:

Tài sản số phát triển mạnh nhưng tiềm ẩn rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm gần đây khi đầu tư online phát triển mạnh thì kênh tài sản số cũng thu hút rất mạnh dòng tiền. Chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh đã có những chia sẻ về kênh đầu tư mới này.

Theo ông Phan Dũng Khánh, tài sản số trên thực tế bao hàm phạm vi rất rộng, bao gồm: tiền tệ kỹ thuật số (tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa…), tài sản vô hình (tài sản trong game, tài sản trí tuệ, video, tranh ảnh kỹ thuật số…) và tài sản vật chất được số hóa (tranh ảnh vật lý, tài sản tài chính như bất động sản, chứng khoán; các giấy tờ, bằng cấp, trang thiết bị, công cụ như điện thoại, đồ nội thất, hàng thời trang, xe hơi…).

Trong năm 2021, dịch bệnh bùng phát, phong tỏa diễn ra khắp nơi trên thế giới khiến tài sản số phổ biến nhanh hơn nhờ tốc độ người dùng tăng vọt. Thống kê tổng số tiền gọi vốn mà các công ty tài sản số đã huy động từ các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm 2021 là 27 tỷ USD, nhiều hơn 10 năm trước đó cộng lại. Các khái niệm xa lạ với người dùng ở những năm trước thì năm 2021 được nhắc đến thường xuyên như Metaverse (vũ trụ số), các loại tài sản NFT (tài sản độc nhất vô nhị), DeFi (tài chính phi tập trung), Web3…

Tại Việt Nam, tuy chưa có thông kê chính thức nhưng số liệu các các hãng chuyên thăm dò về tài sản số trên thế giới thì số lượng nhà đầu tư quan tâm và tham gia kênh này ở Việt Nam là rất lớn. Chẳng hạn, theo công bố gần đây của website so sánh sản phẩm tài chính Finder, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa. Trong đó, tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa trong số những người được hỏi tại Việt Nam là 41%, riêng số lượng người đã mua Bitcoin là 20%. Hay trong một báo cáo của Chainalysis (công ty chuyên cung cấp các công cụ phân tích dữ liệu blockchain - PV) cũng đã chỉ ra Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về lợi nhuận thu được từ tiền mã hóa, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc...

Tuy nhiên, theo chuyên gia tư vấn đầu tư Phan Dũng Khánh, hạn chế của kênh đầu tư này này đang có những khoảng trống pháp lý lớn, khiến các vụ lừa đảo gia tăng gây rủi ro cho nhà đầu tư. Nghiên cứu từ CipherTrace (công ty xây dựng giải pháp chống rửa tiền AML, pháp y tiền mã hóa, tìm kiếm mối đe dọa bảo mật blockchain và các giải pháp giám sát theo quy định) cho thấy, các vụ “hack” liên quan đến DeFi chiếm tới 54% khối lượng gian lận. Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2021, số tiền thiệt hại từ dự án lừa đảo tiền số đã là 361 triệu USD, trong khi con số của cả năm 2020 chỉ có 129 triệu USD.

Báo cáo của Công ty Bolster cũng cho biết số vụ lừa đảo tài sản số đã tăng 40% lên 400.000 trường hợp vào năm 2020 và dự kiến tăng 75% trong năm 2021 và còn có thể cao hơn nữa trong những năm sau. Điều này chưa tính đến lỗi, dự án có thật, có ích nhưng không phát triển được hay các vụ hack… có thể vượt 90%. Theo báo cáo của Chainalysis (công ty chuyên điều tra các tội phạm sử dụng blockchain) về tội phạm tài sản số, tiền mã hóa năm 2021, số tiền bị đánh cắp năm 2021 tương đương hơn 7,7 tỷ USD, tăng 81% so với năm 2020. Riêng hình thức “rút thảm” (kêu gọi nhà đầu tư tham gia rồi ôm tiền bỏ chạy) chiếm 2,8 tỷ USD.