Tai họa từ headphone

ANTĐ - Chiếc tai nghe (headphone) lâu nay đã quá quen thuộc với các bạn trẻ.

Giờ nghỉ đeo tai nghe, tối ngủ đeo tai nghe, ngay cả lúc ra đường, ngồi trên xe gắn máy nhiều bạn cũng bít kín lỗ tai bằng chiếc tai nghe. Thói quen này gây không ít nguy hiểm trước mắt cũng như về lâu dài.

 

Còn nhớ cách đây vài tháng, một thanh niên ở TP Hồ Chí Minh đã bị tàu hỏa cán chết khi đang đeo tai nghe, băng qua đường ray mà không quan sát. Hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra nếu nạn nhân có thể nghe thấy tiếng còi tàu hỏa để quan sát kỹ hơn. Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do chủ phương tiện đeo tai nghe khi tham gia giao thông. Nó vừa làm người tham gia giao thông mất tập trung khi điều khiển phương tiện, vừa làm họ không thể nghe được còi xe của phương tiện khác, cũng không nghe được tín hiệu điều khiển của CSGT…

Không chỉ nguy hại trước mắt mà việc thường xuyên đeo tai nghe với cường độ âm thanh lớn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính giác về lâu dài. Nếu trước đây chứng lão thính chỉ xuất hiện ở người già từ độ tuổi 60 thì nay, bệnh đang trẻ hoá, xuất hiện từ độ tuổi 30-40, trong đó có nguyên nhân từ thói quen nghe nhạc bằng tai nghe.

Âm lượng từ máy hát qua tai nghe tuy nhỏ nhưng âm thanh lại áp sát tai nên dễ làm tổn hại thính lực. Theo BS Đỗ Hồng Giang, Phó khoa Thính học, BV Tai mũi họng TP Hồ Chí Minh thì một sự vang âm quá mạnh trong ốc tai sẽ gây ra trạng thái kích thích, hậu quả là làm mệt thính giác. Sau đó, trầm trọng hơn là sự mất thính giác đối với những tần số cao. Đeo tai nghe để nghe nhạc liên tục có cảm giác như lỗ tai bị bít lại, ù tai hay chóng mặt, nhức đầu, tức ngực, hoa mắt, mệt mỏi toàn thân… Đó có thể là những biểu hiện của chấn thương âm thanh cấp tính, đe dọa chức năng thính giác.

Thực tế, sức nghe của tai sẽ giảm nếu mọi người tiếp xúc với âm thanh có cường độ 85-90db liên tục trên hai giờ/ngày và kéo dài một đến hai năm. Hiện, hầu hết các máy nghe nhạc đeo tai đều có công suất cực đại đến 120db, gây ra nhiều áp lực âm thanh trực tiếp đến tế bào thần kinh. Một bộ phận khác còn có thói quen nghe nhạc rồi ngủ quên luôn. Khi ngủ, não bộ cần nghỉ ngơi thì lại phải chịu đựng sự tra tấn của âm thanh. Hành vi có hại này làm biến đổi sự vận hành chức năng của các tế bào thính giác bởi ốc tai làm việc quá sức, gây mệt mỏi.

Nguy hiểm là bệnh nhân không cảm thấy giảm thính lực ngay, mà phải vài năm mới nhận ra. Bởi tiếng ồn chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận âm thanh tần số cao, sau đó mới ảnh hưởng đến tần số thấp hơn là tiếng nói. Nói cách khác, quá trình giảm thính lực diễn tiến âm thầm, khi bệnh nhân phát hiện tai mình nghe không rõ thì đã muộn. Lúc này, ngay cả bác sĩ chuyên khoa cũng không thể can thiệp giúp phục hồi chức năng nghe, bệnh nhân có thể bị điếc vĩnh viễn.

Không chỉ gây hại cho thính giác, sử dụng headphone lâu dài còn tác động đến trung khu thần kinh ở đại não, khiến sự điều tiết lưu thông máu ở tim gặp trở ngại, dẫn tới bệnh xơ cứng động mạch, tăng huyết áp. Ngoài ra, việc đeo headphone lâu cũng ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tình cảm của người đeo. Họ thường phiền muộn vô cớ, đứng ngồi không yên…

Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia đối với những người có thói quen nghe nhạc bằng headphone là không nên vặn volume hết mức (chỉ nên vặn dưới 60%) và không nên nghe quá lâu (chỉ nên nghe khoảng 1 tiếng/ngày) và đặc biệt không nên ngủ quên mà vẫn đeo tai nghe…