- FED phạm sai lầm lớn khi tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất cao?
- Cuộc chiến chống lạm phát của FED đi quá xa khiến kinh tế Mỹ suy thoái nặng
Lần hạ lãi suất đầu tiên tại Mỹ trong 4 năm
Tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 17 và 18-9, FED đã công bố quyết định cắt giảm lãi suất. Đây là điều mà các chuyên gia kinh tế và doanh nhân không chỉ ở Mỹ mà giới kinh doanh trên thế giới đã đợi chờ công bố của cơ quan đóng vai trò Ngân hàng Trung ương của Mỹ trong nhiều tháng qua về việc hạ lãi suất để có thể tiếp cận vốn vay trở nên dễ dàng hơn. Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED trong 4 năm qua. Chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát của cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ này của Mỹ bắt đầu từ tháng 3-2022. Từ tháng 7-2023 đến nay, FED luôn duy trì lãi suất quỹ liên bang giữ ở mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5%.
Việc FED hạ lãi suất cũng như giá đồng USD giảm sẽ thu hút vốn đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi |
Trong bài phát biểu trước đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, cơ quan này cắt giảm lãi suất để hỗ trợ thị trường việc làm và đạt được “hạ cánh mềm”, tức là vừa kiềm chế được lạm phát nhưng không dẫn đến nguy cơ suy thoái nghiêm trọng. Hiện, Mỹ đã duy trì lãi suất trên 5% trong hơn 1 năm qua để chống lạm phát. Giới chuyên gia đánh giá cuộc chiến chống lạm phát đã thu được kết quả và Fed cần đưa lãi suất đi xuống.
Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Nationwide Financial đánh giá, việc FED phát đi tín hiệu hạ lãi suất giúp chi phí vay giảm trên diện rộng và người tiêu dùng cảm thấy “nhẹ nhàng hơn”, qua đó thúc đẩy chi tiêu. Nhiều nhà kinh tế cho biết, mong muốn FED công bố cắt giảm lãi suất thêm nữa, trong khi các nhà giao dịch Phố Wall kỳ vọng Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện ít nhất thêm 2 lần cắt giảm 0,5% vào cuối năm 2024.
Giới kinh tế cho rằng, lãi suất ở Mỹ thấp hơn thúc đẩy thị trường phục hồi và tránh được suy thoái. Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Âu tại Barclays, Emmanuel Cau, cho biết thị trường chứng khoán thường không ổn định sau lần hạ lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, nếu có một đợt cắt giảm mà không đi kèm suy thoái, thường thị trường có xu hướng đi lên trở lại. Barclays cho rằng các lĩnh vực sẽ hưởng lợi từ lãi suất thấp là bất động sản và tiện ích.
Giới kinh doanh Mỹ đã bước đầu phản ứng tích cực với động thái cắt giảm lãi suất. Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận những mức điểm kỷ lục mới trước khi đóng cửa trong trạng thái ít biến động trong phiên giao dịch ngày thứ ba (ngày 17-9). Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,03%, đạt 5.634,58 điểm. Trong phiên, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ có thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại 5.670,81 điểm.
Chỉ số Dow Jones dù giảm 15,9 điểm, tương đương giảm 0,04%, chốt ở 41.606,18 điểm. Nhưng đây là phiên giảm nhẹ sau khi lập một kỷ lục nội phiên mới. Chỉ số Nasdaq tăng 0,2%, kết thúc phiên ở mức 17.628,06 điểm. Đáng chú ý, các kỷ lục mới của S&P 500 và Dow Jones xuất hiện vào thời điểm mà yếu tố mùa vụ không thuận lợi cho thị trường. Trong 10 năm trở lại đây, tháng 9 là tháng xấu nhất trong năm đối với S&P 500, với mức giảm bình quân là 1,3%.
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall trước đó cũng đã phải chống chọi với những “cơn gió ngược” cuối mùa hè xuất phát từ mối lo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Những số liệu gây thất vọng về việc làm và hoạt động sản xuất trong tháng 8 đã gây bán tháo. Tuy nhiên, thị trường phục hồi ngoạn mục sau khi những số liệu gần đây hơn cho thấy sự xuống thang của lạm phát và việc FED cắt giảm lãi suất.
Tác động lan tỏa tới nền kinh tế thế giới
Hiện, giới kinh tế có những ý kiến khác nhau về quy mô và tốc độ hạ lãi suất của chu kỳ nới lỏng tiền tệ mà FED vừa bắt đầu. Dù sao việc FED hạ lãi suất đưa tới nhiều hy vọng rằng kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” thành công, tức giảm lạm phát nhưng không gây suy thoái.
Ông Kenneth Broux, Trưởng bộ phận nghiên cứu doanh nghiệp, ngoại hối và lãi suất tại Societe Generale cho rằng, lúc này vẫn chưa biết chu kỳ này sẽ như thế nào - liệu nó giống như năm 1995 khi chỉ có 75 điểm cơ bản bị cắt giảm hay đợt cắt giảm đến 500 điểm cơ bản giai đoạn 2007-2008. Song điều rõ ràng, theo vị chuyên gia này, là quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu sau 4 năm của FED sẽ có ảnh hưởng vượt ra ngoài nước Mỹ.
Còn nhớ, mùa xuân năm nay, khi lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến, đã có rất nhiều lo ngại về việc FED sẽ giữ nguyên lãi suất cả năm 2024. Theo kịch bản này, các tổ chức như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoặc Ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn khác gặp khó trong việc lựa chọn có nên hạ lãi suất hay không, nhằm kích thích kinh tế. Nhưng giờ đây, việc FED bắt đầu hành động giúp Ngân hàng Trung ương các nước phát triển khác dễ cân nhắc chính sách tiền tệ hơn. Các nhà giao dịch đang dự đoán các Ngân hàng Trung ương khác sẽ lần lượt đi theo FED. Tuy nhiên, ECB và Ngân hàng Trung ương Anh khả năng có số lần cắt giảm ít hơn FED vì vẫn còn cảnh giác với lạm phát.
Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng hưởng lợi, vì nó vốn thường diễn biến theo trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, Đức và Anh đều đang hướng đến mức giảm quý đầu tiên kể từ cuối năm 2023. Điều này có nghĩa giá trái phiếu tăng.
Lãi suất thấp hơn tại Mỹ có thể giúp các Ngân hàng Trung ương ở thị trường mới nổi có nhiều không gian hơn để tự điều chỉnh và hỗ trợ tăng trưởng trong nước. Bởi vì áp lực phải giữ lãi suất cao để ngăn dòng vốn chảy ra ngoài và bảo vệ tỷ giá hối đoái sẽ nhẹ nhàng hơn khi Mỹ hạ lãi suất. Từ đó, họ có thể giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng và đầu tư trong nước. Khoảng một nửa trong số 18 thị trường mới nổi đã bắt đầu cắt giảm lãi suất trong chu kỳ này, dẫn đầu là các nước Mỹ Latinh và châu Âu.
Động thái cắt giảm lãi suất của FED cũng được kỳ vọng sẽ làm suy yếu đồng USD, qua đó nâng giá các đồng tiền khác. Tuy nhiên, hãng JPMorgan lưu ý rằng, đồng USD đã mạnh lên sau lần cắt giảm đầu tiên của FED tại 3 trong 4 chu kỳ gần đây nhất. Còn theo các nhà kinh tế, triển vọng của đồng USD chủ yếu phụ thuộc vào mức lãi suất của Mỹ so với các nước khác. Trừ khi đồng USD trở thành đồng tiền có lợi suất thực sự thấp, nếu không nó sẽ tiếp tục giữ được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư không phải người Mỹ.
Mặc dù vậy nhiều đồng tiền châu Á đã tăng giá khá mạnh trước kỳ vọng FED giảm lãi suất như đồng Won của Hàn Quốc, đồng Baht của Thái Lan và đồng Ringgit của Malaysia tăng vọt trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Trong khi, đồng nhân dân tệ của nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới cũng đã lấy lại toàn bộ những gì đã mất so với đồng USD kể đầu năm.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi FED giảm lãi suất. Trên thực tế đợt tăng giá cổ phiếu toàn cầu, vốn đã chững lại gần đây do lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ, có thể tiếp tục nếu lãi suất thấp hơn của Mỹ thúc đẩy hoạt động kinh tế và có nghĩa là nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được suy thoái.
Với Việt Nam, việc FED hạ lãi suất trong ngắn hạn có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán nước ta hơn là các tác động tiêu cực. Các hành động cụ thể từ chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ của FED sắp tới sẽ diễn ra như thế nào và liệu kịch bản “hạ cánh cứng” hay “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ diễn ra cũng sẽ có tác động không nhỏ đến Việt Nam, cần tiếp tục theo sát diễn biến để có những đánh giá và dự báo kịp thời.