Tác động của đại dịch Covid-19 đến cuộc chiến chống đói nghèo ở nước Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Nước Nga hiện có khoảng 20 triệu người nghèo. Các cơ quan chức năng tin rằng, con số này sẽ giảm được một nửa trong các năm tới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm cho cuộc chiến chống nghèo đói ở Nga khó khăn hơn...

Thu nhập của người Nga sụt giảm do dịch Covid-19

Thu nhập của người Nga sụt giảm do dịch Covid-19

Số người Nga thất nghiệp tăng cao

Kể từ đầu những năm 1990, số người sống dưới mức nghèo tuyệt đối trên thế giới đã giảm từ 35% xuống còn 8,4%. Tuy nhiên, năm 2020, nghèo đói bắt đầu gia tăng trở lại. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), đại dịch Covid-19 đang đẩy hàng chục triệu người trên thế giới rơi vào tình trạng nghèo đói. Số người sống trong cảnh nghèo cùng cực trong năm 2020 có thể tăng thêm 88-115 triệu người. Đến năm 2021, tổng số người nghèo đói cùng cực sẽ đạt 150 triệu...

Trong khi đó, theo số liệu thống kê chính thức, số người thất nghiệp ở Nga hiện là 4,8 triệu, chiếm 6,6% tổng dân số trong độ tuổi lao động của cả nước. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, số người Nga thất nghiệp tăng 36%, tương đương 1,25 triệu người. Do cơ quan thống kê chỉ tính số người tham gia sàn giao dịch việc làm, nên trên thực tế, có thể có tới 8 triệu người Nga bị thất nghiệp.

Cùng với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập của người dân Nga cũng giảm theo. Theo Rosstat (Cơ quan Thống kê Nga), trong quý II năm 2020, tỷ lệ người Nga có thu nhập dưới mức sống tối thiểu đã tăng lên 13,5%, tương đương 19,9 triệu người. Nguyên nhân chính của tình trạng này là hoạt động kinh doanh sụt giảm do đại dịch Covid-19 dẫn đến thu nhập tiền mặt thực tế giảm. Thu nhập bằng tiền trong quý II năm 2020 đã giảm 8%. Đây được coi là mức giảm kỷ lục kể từ năm 1999.

Những người thất nghiệp, nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ, các gia đình đông con thuộc nhóm có nguy cơ cao rơi vào cảnh nghèo đói. Theo kế hoạch của Chính phủ Nga, mức độ nghèo đói ở nước này sẽ giảm một nửa vào năm 2024. Tuy nhiên, thời hạn này phải lùi lại đến năm 2030 do dịch Covid-19.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Chính phủ Nga đã cấp hơn 4 nghìn tỷ rúp cho chương trình giải cứu nền kinh tế, trong đó bao gồm các biện pháp bảo trợ xã hội như phát tiền cho các gia đình đông con và trợ cấp thất nghiệp…

Theo Tổng thống Vladimir Putin, có khoảng 20 triệu người Nga đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Ông cũng khẳng định, con số này sẽ được giảm một nửa trong những năm tới.

Một nửa số người Nga trở nên nghèo hơn

Dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến tầng lớp trung lưu ở Nga. Trước đại dịch Covid-19, có tới 24% dân số thuộc tầng lớp này. Đó là những người có trình độ đại học, lao động trí óc hoặc kinh doanh. Họ có thể mua được bất động sản, ô tô... Theo các chuyên gia, mức lương tối thiểu để được xếp vào nhóm trung lưu ở Mátxcơva là 121,1 nghìn rúp (trước thuế), tại các khu vực khác của Nga - 60 nghìn rúp. Còn theo các nhà chức trách, có tới 70% công dân Nga - những người kiếm được hơn 17 nghìn rúp - thuộc tầng lớp trung lưu.

Theo các chuyên gia Trường Kinh tế Cao cấp của Nga, mất việc làm và thu nhập giảm đã khiến 6,1% dân số thuộc tầng lớp trung lưu ở nước này trở thành người nghèo. Theo bà Aleksandra Burdyak - nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Phân tích và Dự báo xã hội thuộc Học viện Kinh tế Quốc gia và Hành chính công Nga trực thuộc Tổng thống Nga (RANKHiGS), sự suy giảm của tầng lớp trung lưu ở Nga là hiện tượng tạm thời và không kéo dài vì đây là các chuyên gia có trình độ chuyên môn và học vấn cao. Họ có thể phục hồi thu nhập trong 1 hoặc 2 năm tới.

Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov tin rằng nền kinh tế của Nga sẽ phục hồi trong quý II năm 2021. Chính phủ sẽ dành 4,5% GDP cho việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Theo khảo sát của Mặt trận Nhân dân toàn Nga (ONF), một nửa số người Nga trở nên nghèo hơn do đại dịch Covid-19. Một số chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng thời, nhưng bị gián đoạn do dịch bệnh…