Syria trong ngõ cụt bạo lực

ANTĐ - Cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông Syria suốt 16 tháng qua tiếp tục đi vào ngõ cụt khi cuộc xung đột bạo lực leo thang, trong khi mọi giải pháp hòa bình đều bế tắc trước lập trường đối chọi nhau giữa các bên liên quan.

Thường dân thành phố Aleppo bị kẹt giữa làn đạn của hai bên xung đột

Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo lớn thứ hai của Syria với khoảng 3 triệu dân từ ngày 30-7 sau những cuộc giao tranh dữ dội. Tuy nhiên, lực lượng chống đối “Quân đội Syria tự do” (FSA) cho biết, họ hiện vẫn kiểm soát 30-40% thành phố này và tuyên bố của chính quyền chỉ là đòn “chiến tranh tâm lý”. 

Dù các thông tin trái ngược trên chưa được kiểm chứng song có điều chắc chắn là giao tranh tại Aleppo vẫn đang diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu. Tiếp sau thành phố Homs, thành phố thương mại lớn thứ hai Syria này đã trở thành một điểm nóng bạo lực nhức nhối tại quốc gia Trung Đông với vài chục người thương vong mỗi ngày, trong đó ngày 19-7 được xem là “ngày đẫm máu nhất” với 302 người thương vong.

Chiến sự ác liệt tại nhiều thành phố của Syria đã làm bùng phát làn sóng tị nạn của người dân, trong đó chỉ riêng tại thành phố Aleppo đã có tới 200 nghìn người đi lánh nạn. Theo đánh giá của LHQ, hiện đã hình thành dòng người tị nạn với hàng trăm nghìn thường dân Syria đổ sang các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Iraq...

Bạo lực leo thang cũng buộc nhiều quốc gia phải lên kế hoạch sơ tán nhân viên ngoại giao và kiều dân của mình khỏi Syria sau khi Phái bộ giám sát LHQ tại Syria (UNSMIS) đã rút một nửa thành viên khỏi quốc gia đang “đỏ lửa” này. Tính đến nay đã có hàng chục nước tạm đóng cửa hoặc lên kế hoạch tạm đóng cửa Đại sứ quán tại Syria, rút bớt nhân viên để đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro.

Hàng chục nghìn người Syria đã thiệt mạng kể từ tháng 3-2011 tới nay, hàng trăm nghìn người phải bỏ nhà cửa đi tị nạn... song cuộc khủng hoảng này hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi các giải pháp để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng này, đặc biệt là kế hoạch hòa bình 6 điểm của Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, đều bế tắc trước lập trường xung khắc nhau của các bên liên quan.

Lực lượng đối lập Syria và các quốc gia phương Tây hậu thuẫn một mực đòi Tổng thống al-Assad phải “ra đi” một cách “vô điều kiện“ và mọi giải pháp đều phải gắn với điều kiện tiên quyết này. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống al-Assad bác bỏ thẳng thừng điều mà họ cho là “đòi hỏi phi lý” của phe đối lập và phương Tây.

Trong động thái mới nhất, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30-7 đưa tin nước này đã điều thêm quân đội và vũ khí đến khu vực biên giới giáp Syria giữa lúc có cảnh báo Ankara đang chuẩn bị thỏa thuận với Mỹ để can thiệp vào Syria dưới cái cớ “xử lý” các nhóm chống đối người Kurd. Nhìn nhận về tình hình Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng nội chiến ở quốc gia này sẽ kéo dài nếu Tổng thống al-Assad bị lật đổ bởi lực lượng chống đối hay bên ngoài một cách vi hiến.