Syria 1 năm lửa máu

ANTĐ - Xung đột đẫm máu và bất ổn tại Syria đã bước sang năm thứ hai mà triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất hiện nay tại Trung Đông vẫn hết sức mờ mịt.

Các gia đình người Syria đã phải rời thành phố Idlib đang chìm 

trong xung đột ở miền Bắc Syria để đi lánh nạn

Tròn 1 năm trước, cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu từ “đốm lửa” ở thành phố Daraa vào ngày 15-3-2011. Cuộc biểu tình đòi hủy bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ năm 1963 và cấp phép hoạt động cho các chính Đảng đối lập tại thành phố nhỏ cách Thủ đô Damascus khoảng 100km về phía Nam này đã nhanh chóng bùng phát thành làn sóng biểu tình trào dâng khắp đất nước.

Không những thế, làn sóng biểu tình còn biến thành bạo động, rồi xung đột đẫm máu tại nhiều thành phố. Phe đối lập cùng các nhóm vũ trang thậm chí là cả mạng lưới khủng bố Al Qaeda thừa cơ bất ổn đã trỗi dậy mạnh mẽ, gây áp lực lớn lên chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Để giải tỏa áp lực đè nặng, Tổng thống al-Assad đã có những nhượng bộ lớn với người biểu tình và phe đối lập. Đầu tiên là huỷ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được thực thi ngót 50 năm, cấp phép cho các chính Đảng đến khi thông qua Hiến pháp mới (trong đó có quy định bầu trực tiếp Tổng thống) cuối tháng 2 vừa qua và mới đây nhất là việc ký ban hành sắc lệnh ngày 13-3 về việc bầu cử Quốc hội tự do và dân chủ.

Song tất cả những “bước lùi” đó của ông al-Assad đều chưa làm thỏa mãn phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn. Bởi cái đích mà họ nhắm tới không chỉ là hủy bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp, bầu cử tự do chọn Tổng thống và Quốc hội mà chính là ông al-Assad, đòi ông phải từ bỏ quyền lực được truyền lại từ người cha, cố Tổng thống Hafez al-Assad.

Cuộc chiến chống lại quyền lực của ông al-Assad đã đẩy đất nước Syria tới cận kề một cuộc nội chiến khi xung đột đẫm máu nổ ra ở nhiều thành phố trên cả nước, trong đó ác liệt nhất là tại thành phố Homs. Tính tới nay, các cuộc xung đột khắp đất nước Syria đã làm hơn 8.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương.

Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), tình trạng bạo lực triền miên cả năm qua tại Syria đã khiến ngày càng nhiều người dân nước này phải rời bỏ nhà cửa, đặc biệt ở các khu vực thường xảy ra giao tranh. UNHCR cho rằng đã có khoảng 30.000 người Syria chạy sang các nước láng giềng và khoảng 200.000 người khác mất nhà cửa. 

Cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Syria đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước khu vực, LHQ và các cường quốc lớn nhất thế giới. Nhiều chuyến ngoại giao con thoi, giải pháp đã được đưa ra, trong đó mới nhất là đề xuất của cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arab (AL) về Syria và đề xuất 6 điểm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tất cả giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria đều chưa được cả hai bên xung đột tại quốc gia này cùng chấp nhận. Bởi điểm then chốt là Tổng thống al-Assad quyết không chấp nhận từ bỏ quyền lực, trong khi lực lượng đối lập lại coi đó là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ giải pháp nào.

Triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Syria như càng trở nên mờ mịt hơn khi Arab Saudi, Italia và Hà Lan ngày 14-3 lên tiếng tiếp bước Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ đóng cửa Đại sứ quán tại Damascus. Trước động thái này, các nhà quan sát đã không loại trừ khả năng Syria trở thành “Lybia thứ hai“.