Ông Mikhail Pogosyan - Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo hàng không Liên Hợp (Объединённая Авиастроительная Корпорация, OAK) của Nga cho biết, 5 chiếc T-50 đang đồng loạt nằm trong quá trình thử nghiệm, điều này sẽ giúp các công trình sư của Nga đẩy nhanh tiến độ phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và Nga.
Các nhà thiết kế cho biết, T-50 là tổng hòa của những công nghệ hàng không tiên tiến nhất của Nga, đại biểu cho sự sáng tạo về công nghệ hàng không quân sự Nga. Về tính năng tàng hình, công nghệ vật liệu thế hệ mới cùng với đầu óc sáng tạo của con người, đã giúp không quân Nga bước lên một tầm cao mới về công nghệ hàng không.
Toàn thân máy bay T-50 được phủ một lớp vật liệu composite thế hệ mới nhất, nhẹ hơn so với các loại vật liệu có độ cứng tương tự như sắt, titan và nhôm là từ 20 - 50 %. Trên 70% diện tích bề mặt của T-50 sẽ được phủ kín lớp sơn này, giúp trọng lượng của nó nhẹ hơn 25%, so với các máy bay chế tạo bằng nguyên liệu truyền thống, nên nó có thể tăng lượng vũ khí mang theo.
Lãnh đạo của Công ty chế tạo máy bay Sukhoi cho biết, đặc trưng radar và đặc trưng hồng ngoại nhìn thấy của T-50 thấp chưa từng có. Tính ra, tổng diện tích phản xạ radar của nó còn chưa tới 0,5m vuông, trong khi phản xạ radar của máy bay thế hệ trước như Su-30MKI là gần 20m vuông và của máy bay F-22 Mỹ là hơn 2m vuông!
Như vậy, diện tích phản xạ radar của PAK FA chỉ bằng 1/40 so với Su-30MKI và bằng 1/4 của F-22. Điều này có nghĩa là, với diện tích phản xạ radar siêu nhỏ cùng với tính năng cơ động cực cao, khả năng phát hiện, bám bắt và tấn công được T-50 của các loại radar thế hệ mới nhất là vô cùng khó.
Ngoài ra, hệ thống thiết bị điện tử của T-50 cũng rất hiện đại. Nó được trang bị hệ thống radar mạng pha điện tử chủ động AESA, có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không và mặt đất xa hàng trăm hải lý, có thể đồng thời phát hiện, theo dõi và tấn công hàng loạt mục tiêu, nâng cao hiệu quả tác chiến của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50.
Lắp đặt tại các vị trí khác nhau trên thân máy bay là hàng chục thiết bị cảm biến không chỉ giúp T-50 giám sát chặt chẽ sự thay đổi của môi trường xung quanh mà còn giúp nó có thể trao đổi các số liệu thời gian thực với mặt đất. Hệ thống phân tích bay điện tử tự động không ngừng phân tích các tình huống khác nhau, đề xuất các phương án xử lý, tiếp nhận phần lớn nhiệm vụ bay và nhiều loại số liệu tác chiến, giảm bớt áp lực cho phi công, giản hóa quá trình thao tác, giúp phi công chuyên chú vào nhiệm vụ tác chiến.
Tùy theo từng nhiệm vụ, T-50 có khả năng mang theo các loại vũ khí khác nhau, bao gồm: 8 quả tên lửa đối không tầm xa R-77, 2 quả bom có điều khiển, tấn công chính xác loại 3300pound. Nó còn có thể mang theo 2 quả tên lửa hành trình tấn công tầm xa, bán kính tấn công khoảng trên 400km và một số loại vũ khí khác.
Giống như máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ, tất cả vũ khí của T-50 sẽ được thu gọn vào 4 khoang vũ khí trong bụng máy bay, nâng cao một bước khả năng tàng hình vốn đã rất đáng nể của nó. Cự ly cất, hạ cánh của T-50 cũng được rút ngắn đáng kể, nó có thể chạy đà với đường băng chỉ khoảng 300m. Tất cả những điều này cho thấy, T-50 có thể so sánh được, thậm chí ở một số khía cạnh còn tốt hơn cả F-22.
Theo nguồn tin của giới công nghiệp quốc phòng Nga, Ấn Độ cũng đầu tư gần 25 tỷ USD cho chương trình phát triển T-50 PAK FA với biến thể dành cho Ấn Độ là FGFA. Dự kiến đến năm 2018, New Dehli sẽ nhận được chiếc máy bay đầu tiên. Điều này cho thấy tương lai tươi sáng của chương trình phát triển T-50 và chứng tỏ nó hoàn toàn có khả năng cạnh tranh bình đẳng với F-22 của Mỹ.
Các chuyên gia quân sự Nga cho biết, sau khi trang bị cho lực lượng không quân Nga, T-50 cũng sẽ được xuất khẩu, nhưng Nga sẽ chế tạo phiên bản T-50 chuyên dụng, dành riêng cho không quân nước mình. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm 2014, Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt, lô máy bay chiến đấu đầu tiên có số lượng khoảng 10 chiếc.