Sửa Thông tư để chặn ô tô bị lỗi vẫn bán ra thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự thảo Thông tư 30/2011 quy định rõ các cơ sở sản xuất không tiếp tục kiểm tra xuất xưởng, cấp phiếu xuất xưởng của các loại sản phẩm đang vi phạm, đang có lỗi... để đưa ra thị trường.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.

Đáng chú ý dự thảo Thông tư đã quy định rõ các cơ sở sản xuất không tiếp tục kiểm tra xuất xưởng, cấp phiếu xuất xưởng của các loại sản phẩm đang vi phạm, đang có lỗi... để đưa ra thị trường.

Theo đó, sau khi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất tiến hành sản xuất hàng loạt, kiểm tra chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, lắp ráp cho từng sản phẩm và phải đảm bảo các sản phẩm này đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với hồ sơ kiểm tra sản phẩm và mẫu điển hình đã được chứng nhận.

"Cơ sở sản xuất chỉ được xuất xưởng sản phẩm, cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng cho xe cơ giới khi tuân thủ các quy định tại Thông tư này về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận", dự thảo Thông tư nêu.

Dòng xe Ford Everest của hãng xe Ford vừa phải triệu hồi để khắc phục

Dòng xe Ford Everest của hãng xe Ford vừa phải triệu hồi để khắc phục

Dự thảo cũng làm rõ quy định về đánh giá việc đảm bảo chất lượng của sản phẩm tại cơ sở sản xuất (COP) định kỳ hàng năm với chu kỳ thực hiện 12 tháng nhằm kiểm tra việc duy trì đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất.

Các nội dung kiểm tra gồm: Kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ kiểm tra sản phẩm; Sự phù hợp của sản phẩm xuất xưởng so với các chỉ tiêu chất lượng đăng ký trong hồ sơ kiểm tra sản phẩm và việc quản lý, sử dụng Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng được thực hiện theo phương thức kiểm tra xác suất.

Việc mở rộng phạm vi kiểm tra, đánh giá được xem xét thực hiện khi có sự không phù hợp trong quá trình sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng.

Dự thảo Thông tư cũng sửa đổi quy định về kiểm tra, thử nghiệm theo hướng làm rõ quy định cơ quan quản lý chất lượng thực hiện giám sát việc thử nghiệm sản phẩm tại cơ sở thử nghiệm.

Ngoài ra, tại quy định về các công việc cơ sở sản xuất cần thực hiện để đảm bảo việc duy trì chất lượng các sản phẩm sản xuất hàng loạt, dự thảo Thông tư đã sửa đổi nội dung về kỹ thuật viên.

Theo đó, thay vì quy định có kỹ thuật viên chịu trách nhiệm về chất lượng xuất xưởng sản phẩm được Nhà sản xuất nước ngoài (bên chuyển giao công nghệ) hoặc cơ quan quản lý chất lượng cấp chứng chỉ nghiệp vụ kiểm tra chất lượng phù hợp với loại sản phẩm sản xuất, lắp ráp như hiện hành, dự thảo quy định chỉ cần có nhân viên kiểm tra đáp ứng được nghiệp vụ kiểm tra chất lượng và khả năng sử dụng trang thiết bị kiểm tra trong công đoạn sản xuất, kiểm tra chất lượng xuất xưởng sản phẩm.

Tại tờ trình dự thảo Thông tư gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2011 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới để thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại kết luận thanh tra về công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.

Đồng thời, nhằm xem xét, cập nhật, bổ sung, sửa đổi các thủ tục hành chính và các quy định có liên quan phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khắc phục các bất cập phát sinh giữa quy định với thực tế triển khai áp dụng.

Cùng với đó, quy định rõ hơn về các thủ tục hành chính theo hướng minh bạch hóa về các bước thực hiện, thời gian thực hiện.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến việc làm rõ thời gian đánh giá hồ sơ cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thời gian hoàn trả hồ sơ trong trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định; thời gian thông báo bổ sung sửa đổi hồ sơ nếu hồ sơ không đạt yêu cầu.

Dự thảo Thông tư cũng làm rõ thời gian cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế từ khi thẩm định nội dung hồ sơ thiết kế; làm rõ thời gian hoàn trả hồ sơ, thời gian thông báo bổ sung sửa đổi, thời gian cơ sở thiết kế phải hoàn thiện hồ sơ thiết kế và bổ sung thủ tục thẩm định thiết kế khi cấp lại, mất rách, hỏng.