Sửa Nghị định 24, bỏ độc quyền vàng miếng: Doanh nghiệp do dự, cơ quan quản lý sẽ cân nhắc kỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ý kiến đặt vấn đề sửa Nghị định 24 theo hướng bỏ độc quyền vàng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để giảm chênh lệch giá vàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vàng và Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần thận trọng khi sửa Nghị định này.

Thị trường vàng ổn định nhờ Nghị định 24

Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước mới đây, các doanh nghiệp vàng đồng loạt cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp, bắt nguồn từ chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.

Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.

Các doanh nghiệp cũng khẳng định chênh lệch giá vàng không rơi vào doanh nghiệp nào, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.

Dù cho rằng vàng nguyên liệu đang bị thiếu hụt, song các doanh nghiệp cũng cho rằng việc sửa Nghị định 24 cần cân nhắc.

Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty SJC cho biết, Nghị định 24 hiện nay vẫn có tác dụng làm cho thị trường ổn định và ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, Nghị định 24 ban hành cũng làm cho các hoạt động về nữ trang đi vào ổn định, không còn chuyện làm, kinh doanh những nữ trang thấp tuổi.

Tương tự, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty DOJI, đại diện cho TPBank cũng cho rằng trước thời điểm 2012, giá vàng thay đổi liên tục, tác động rất xấu đối với nền kinh tế. Với Nghị quyết 24, NHNN đã quyết định việc sản xuất vàng miếng và sử dụng thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước duy nhất là SJC để trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nếu không thực hiện như vậy thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế.

Sau khi Nghị định 24 ra đời, NHNN và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã ban hành các Thông tư yêu cầu tiêu chuẩn hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng, nhờ đó không có tình trạng vàng thấp tuổi, ăn gian tuổi...

Do đó, ông Đỗ Minh Phú cho rằng, NHNN cần xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24.

Không còn tình trạng vàng hóa nền kinh tế

Theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) theo quy định của Luật NHNN, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững giá trị của đồng tiền Việt Nam. Vì vậy Nghị định 24 đã nhằm chính xác định hướng của Luật NHNN.

Từ 10 năm trước đây (khi chưa có Nghị định 24), tất cả các giá trị thanh toán lớn trong nền kinh tế hầu hết không được niêm yết giá, không được định giá bằng VND mà được định giá, giao dịch bằng vàng. Điều này có nghĩa là Luật NHNN không được thực thi, đồng tiền Việt Nam không được tôn trọng.

Với sự ra đời của Nghị định 24 đã tháo gỡ được tình trạng trên. Đến nay, các giao dịch trong nền kinh tế đều được thực hiện bằng VND, không còn được thực hiện bằng vàng, nền kinh tế không bị vàng hóa, không bị đô la hóa. Đây là thành tựu quan trọng nhất mà NHNN đã triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định 24 và cần được duy trì, bảo vệ.

“Có thể thấy Nghị định 24 phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, góp phần ổn định tâm lý của người dân, duy trì giá trị đồng Việt Nam thông qua việc kiểm soát chặt lạm phát nên người dân chuyển hóa một lượng lớn vàng vật chất sang tiền VND và dùng nó để tạo ra nguồn lực đầu tư, tái đầu tư cho nền kinh tế” – ông Quang nhận định.

Liên quan đến độc quyền vàng miếng, các doanh nghiệp cho rằng cần cân nhắc việc độc quyền của NHNN trong kinh doanh vàng miếng, nhưng có cho tự do cạnh tranh hay không thì vẫn còn do dự. Đại diện SJC cho rằng nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt, công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, đây sẽ là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo để đánh giá mặt được, không được. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.

Theo Thống đốc, các ý kiến đều đánh giá Nghị định 24 rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, chúng ta không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, giúp thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng.

Đối với đề nghị nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, Thống đốc cho biết, vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, NHNN quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Việc này, NHNN sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro đển kinh tế vĩ mô.

“Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kết luận.