Sửa đắt hơn mua mới gần 30 triệu USD khiến Hàn Quốc thẳng tay loại biên F-35A

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, chi phí sửa chữa chiếc tiêm kích tàng hình F-35A va phải chim ước tính khoảng 107,6 triệu USD trong khi giá mua mới chỉ là 84,7 triệu USD.

Như vậy nếu quyết định sửa chữa chiếc tiêm kích tàng hình F-35A, chi phí sẽ cao hơn so với mua mới là 22,9 triệu USD. Điều này dẫn tới quyết định loại biên chiếc tiêm kích tàng mới chỉ vào biên chế vài năm này.

Không quân Hàn Quốc ngày 1/12 thông báo đánh giá toàn diện cho thấy chiếc F-35A hỏng 300 bộ phận sau khi va phải chim rồi mài bụng xuống đường băng tại căn cứ Seosan tháng 1/2022, trong đó có khung thân máy bay, động cơ, hệ thống điều khiển và dẫn đường.

Do chi phí cao, thời gian sửa chữa kéo dài và các vấn đề an toàn khác, ủy ban đánh giá của không quân Hàn Quốc kết luận nên loại biên chiếc F-35A này thay vì sửa chữa. Ủy ban này sẽ trình kế hoạch lên cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phê duyệt.

Tiêm kích tàng hình F-35

Tiêm kích tàng hình F-35

Sau khi loại biên, không quân Hàn Quốc đang tính toán phương án tận dụng chiếc F-35A này làm học cụ huấn luyện kỹ thuật viên cũng như tận dụng một số bộ phận còn tốt.

Vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 1/2022 khi một con chim ưng nặng khoảng 10 kg lao vào cửa hút gió bên trái chiếc F-35A, khiến vách ngăn bật ra và văng vào khoang chứa vũ khí, làm hỏng hệ thống thủy lực và cáp điện. Cú va khiến chiếc F-35A không thả được càng đáp, buộc phi công phải tiếp đất bằng bụng và làm hư hại thêm phần khung thân máy bay. Phi công chiếc F-35A không bị thương trong vụ tai nạn.

Tiêm kích tàng hình F-35
Tiêm kích tàng hình F-35

F-35 Lightning II là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 thứ 2 của Mỹ, sau F-22 Raptor. Dòng chiến đấu cơ tàng hình này được coi là xương sống trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của Mỹ nhờ cơ chế tàng hình tiên tiến. Tiêm kích tàng hình này còn thể hiện sự lợi hại với khả năng tiếp liệu trên không, giúp mở rộng tối đa phạm vi hoạt động. Dù là dòng tiêm kích một động cơ nhưng khả năng mang vác vũ khí rất đáng nể, khi ở chế độ tàng hình chúng có thể mang theo 2,5 tấn, nhưng khi không ở chế độ tàng hình chúng có thể mang tối đa tới 10 tấn vũ khí.

Trong tập trận đối đầu với những tiêm kích thế kệ thứ 4 nổi tiếng như F-15 của Mỹ, Rafale của Pháp và Typhoon của Châu Âu, "chiến thần" F-35 thường thắng ở thế áp đảo. Trong thực chiến tại Afghanistan và đặc biệt tại Syria, chiến đấu cơ F-35 Lightning II cũng chứng minh đây là dòng chiến đấu cơ đáng gờm. Hiện đã có khoảng1.000 chiếc F-35 Lightning II với các biến thể A, B và C đã được sản xuất, hiện chúng vẫn đang được các quốc gia tiếp tục đặt mua.