Sự thật sau những vụ "lại quả" cho bác sĩ

ANTĐ - Việc các hãng dược phẩm lớn chi hoa hồng, quà biếu hậu hĩnh cho các bác sĩ kê đơn thuốc là “chuyện thường ngày” trên thế giới từ nhiều năm nay. Một số quốc gia đã lên tiếng chỉ trích gay gắt, thậm chí ban hành luật cải tổ y tế để chống lại hành vi vô đạo đức  này.

Từ những vụ kiện “độ trung thực dược phẩm” bạc tỷ 

Gần đây nhất, ngày 24-5-2013, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Công ty dược phẩm Ista Pharmaceuticals đã nhận tội “lót tay” cho bác sĩ làm “cò mồi” và dùng những hình thức tiếp thị không phù hợp để thúc đẩy doanh số bán thuốc. Ista Pharmaceuticals đã đồng ý nộp 33,5 triệu USD tiền phạt nhằm giải quyết những trách nhiệm hình sự và dân sự. Ngoài ra, Ista còn bị cấm tham gia vào chương trình Medicare (bảo hiểm y tế cho người già) và Medicaid (bảo hiểm y  tế người nghèo). Trong khi đó, Công ty mẹ Bausch & Lomb đã đồng ý thúc đẩy việc tuân thủ các quy định và những vấn đề về mặt đạo đức của Ista.

Theo cáo trạng, Ista Pharmaceuticals, bộ phận chuyên thuốc chữa đau mắt của Công ty Bausch & Lomb, đã nhận tội “hối lộ” cho các bác sĩ để họ kê đơn Xibrom, một loại thuốc chữa đau mắt sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, và hành vi thúc đẩy việc sử dụng loại thuốc này trong những trường hợp không được chấp thuận, bao gồm sau khi phẫu thuật tăng nhãn áp và Lasik (phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng laser).

Trước đó, cuối tháng 4-2013 vừa qua, Chính phủ Mỹ tiến hành khởi kiện hãng dược khổng lồ Novartis AG củaThụy Sỹ, cáo buộc hãng này chi nhiều triệu USD “hậu tạ” các bác sĩ để họ kê đơn thuốc của hãng sản xuất cho bệnh nhân.

Theo Reuters, nhà chức trách Mỹ cho biết, Novartis, hãng dược đặt trụ sở tại Basel, trong suốt 1 thập kỷ qua đã “lại quả” dưới dạng những khoản phí diễn thuyết “đậm” cho các bác sĩ để thuyết phục họ kê đơn bằng thuốc của hãng. Ngoài ra, Novartis cũng bị tố đã mời các bác sĩ đi ăn ở các nhà hàng xa xỉ, trong đó điển hình là một bữa tối có giá gần 10.000 USD dành cho ba người tại một nhà hàng Nhật.

Vào tháng 1-2011, một cựu trình dược viên của Novartis tại Mỹ đã đâm đơn kiện tố cáo hành vi của hãng này. Đến nay, Chính phủ Mỹ hưởng ứng bằng cách tham gia vụ kiện. Ngoài ra, 27 bang của Mỹ, cùng với thủ đô Washington DC, thành phố New York và Chicago cũng đứng nguyên đơn trong vụ kiện này nhằm đòi bồi thường theo đạo luật chống giả mạo cấp liên bang.

Giả danh “giáo dục y tế” 

Theo cuốn Thấu hiểu sự tương tác giữa ngành công nghiệp dược và các bác sĩ (tác giả là bác sĩ Shaili Jain ở Wisconsin, Mỹ, do Nhà xuất bản ĐH Cambridge, Anh phát hành) tiết lộ, mỗi năm, các hãng dược Mỹ đầu tư   15 - 25 tỷ USD cho các hoạt động tiếp thị, trong đó một phần rất lớn dành cho cái gọi là “giáo dục y tế”, mua quà biếu, hoa hồng... cho các bác sĩ kê đơn. Chỉ riêng trong năm 2006, tổng số tiền dành cho hoạt động “giáo dục y tế” cho các bác sĩ đã lên đến 2,6 tỷ USD. Cứ mỗi 11 bác sĩ tại Mỹ là có một đại diện của các hãng dược chăm sóc.

Trên thực tế, cái gọi là “giáo dục y tế” này là những cuộc hội thảo được tổ chức trong các khách sạn sang trọng, để các hãng dược giới thiệu những loại thuốc mới, “lót tay” là những món quà hậu hĩnh và những phong bì dày cộm cho người tham dự. 

Bác sĩ Rudy Mueller ở New York thường xuyên được mời tham dự những cuộc hội thảo kiểu như vậy. Ông cho biết một lần trong năm 2008, một hãng dược đề nghị ông kê đơn loại thuốc trị chứng cholesterol cao mới nhất của hãng này cho 4 bệnh nhân với số tiền hoa hồng là 2.000 USD. Ngoài tiền hoa hồng, ông còn được tặng riêng một chuyến nghỉ mát ở Florida trị giá 10.000 USD, núp dưới danh nghĩa “nghiên cứu lâm sàng”. “Đó là hành vi hối lộ” - bản thân bác sĩ Mueller thừa nhận - Và đó cũng là thủ đoạn tiếp thị vô cùng hiệu quả. Nó khiến các bác sĩ thay đổi thói quen kê đơn. 

Cần sớm sự minh bạch

Trên thực tế, các nước phương Tây, điển hình như Mỹ, đã có nhiều đạo luật để chống lại hiện tượng các hãng dược hối lộ bác sĩ kê đơn. Mới đây nhất, ngày 23-3-2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký thông qua luật này trong gói cải tổ y tế Mỹ. Theo luật này, chính quyền Mỹ sẽ phạt 10.000 USD hãng dược nào không báo cáo thông tin. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị phạt 100.000 USD.

Không chỉ ở Mỹ, rất nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích mối quan hệ giữa bác sĩ và các hãng dược. Tổ chức Quyền của người tiêu dùng y tế ở Indonesia ước tính giá thuốc tại nước này tăng 20% là do chi phí tiếp thị của các hãng dược cho bác sĩ. Từ năm 2008, báo chí Anh đã lên tiếng cáo buộc các hãng dược lớn đã chi hàng chục triệu USD mỗi năm để hối lộ bác sĩ. Hiệp hội Y tế Canada cũng đang kêu gọi chính phủ cần nhanh chóng cải tổ hệ thống y tế của nước này do tình trạng bác sĩ nhận tiền hoa hồng của các hãng dược.

Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) nhận định, ngành công nghiệp dược phẩm đã tạo cơ hội lớn cho hành vi tham nhũng ở tất cả các nước trên thế giới, bất chấp việc giàu - nghèo. Báo cáo năm 2011 của tổ chức này đã xếp ngành công nghiệp dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ở vị trí thứ 13 trong tổng số 19 ngành công nghiệp về tính trung thực.