Sự cố hạt nhân ở Fukushima: Người dân thất vọng và bất bình

ANTĐ - Ngày 18-10, nhà chức trách Fukushima -  trung tâm của cuộc khủng hoảng hạt nhân vừa qua ở Nhật Bản đã bắt đầu tiến trình khử nhiễm phóng xạ quy mô lớn trên toàn tỉnh. Trong khi đó, những người dân phải sơ tán do ảnh hưởng của sự cố hạt nhân trong thảm họa kép ở Nhật Bản tỏ ra thất vọng và tức giận vì những rắc rối liên quan đến việc bồi thường.

Người dân sơ tán phải sống trong các khu nhà tạm

Hiện tại Fukushima có những khu vực bị nhiễm xạ nặng và nhà chức trách đã đặt ra mục tiêu giảm mức nhiễm xạ xuống còn 1 microsievert/giờ đối với tất cả 110.000 ngôi nhà, trụ sở cơ quan, đường sá và trường học trong thành phố trong vòng 2 năm tới. Các đội tẩy rửa chuyên nghiệp sẽ dùng thiết bị áp lực cao khử bụi phóng xạ khỏi mái và hiên các ngôi nhà. Đất mặt trong các khu vườn cũng được dọn đi và tất cả các con phố có học sinh qua lại nhiều cũng được tẩy rửa. Để thực hiện kế hoạch, chính quyền đã thuê những công ty tẩy rửa chuyên nghiệp, mặt khác các đội tình nguyện cũng được huy động để dọn dẹp các khu vực họ đang sinh sống.

Đến thăm tỉnh Fukushima trong ngày 18-10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã tới thăm hỏi những người dân từng sống quanh khu vực nhà máy Fukushima số 1 nay phải cư ngụ ở những ngôi nhà tạm và cam kết chính quyền sẽ làm hết sức để người dân sớm ổn định cuộc sống: “Trước tiên chúng ta cần phải đưa các lò phản ứng hạt nhân vào trạng thái ngừng hoạt động hoàn toàn, sau đó tiến hành khử nhiễm xạ ở khu vực cấm. Từ đó, chúng ta sẽ xác định quá trình khử nhiễm xạ kéo dài trong bao lâu. Chúng tôi sẽ làm mọi việc trong khả năng để người dân có thể sớm trở về nhà” - ông Noda nói.

Khoảng 80.000 người đã bị buộc phải rời nhà cửa do cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima. Cơ quan chủ quản nhà máy Fukushima, Công ty điện lực Tokyo mãi đến tháng 9 vừa qua mới chấp nhận đơn yêu cầu đền bù. Tuy nhiên, các thủ tục liên quan đến việc nhận đền bù lại quá phức tạp và dường như chỉ làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn khiến người dân rất bất bình và tức giận. Các nạn nhân phải đọc một quyển sách hướng dẫn dài 160 trang, rồi điền vào một bản khai dài 60 trang và nộp kèm theo các giấy tờ, hóa đơn chi phí ăn ở, đi lại, y tế mà họ đã phải chi trả. 

“Thủ tục quá khó khăn” - ông Toshiyuki Owada, 65 tuổi, đến từ thị trấn Namie, cách nhà máy Fukushima khoảng 20km nói. Cho đến nay, mới chỉ có hơn 7.100 cá nhân nộp đơn yêu cầu Tepco đền bù trong số 80.000 mẫu đơn công ty đã gửi cho người dân. Và trong số khoảng 10.000 doanh nghiệp trong khu vực Fukushima, mới chỉ có gần 300 doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu đền bù, trong khi công ty dự kiến có khoảng 300.000 đơn yêu cầu đền bù của các doanh nghiệp bởi ảnh hưởng của sự cố hạt nhân trên phạm vi rất rộng.

Việc bồi thường cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào việc người dân có thể được trở về nhà trong khu vực sơ tán bán kính 20km hay không. Tuy nhiên, câu hỏi này vẫn chưa ai có thể trả lời được.