Sự cần thiết của việc tăng cường lính đặc nhiệm trong thủy thủ đoàn tàu chiến cỡ lớn

ANTD.VN - Lực lượng lính đặc nhiệm biên chế trong thủy thủ đoàn của những chiến hạm hiện đại là điều không có gì mới mẻ trên thế giới.

Hiện nay trong biên chế Hải quân, Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam đã có tương đối nhiều tàu chiến và tàu tuần tra cỡ lớn, có khả năng hoạt động dài ngày để vươn tới những vùng biển xa, kể cả tiến xuống tới tận xích đạo.

Những con tàu trên ngoài vũ khí "cứng" là tên lửa, pháo hạm, ngư lôi hay bệ súng máy gắn cố định thì còn được trang bị bổ sung các loại vũ khí cá nhân như súng trường tấn công hay súng ngắn để biên chế cho thủy thủ đoàn.

Tuy rằng có rất ít trường hợp phải dùng đến vũ khí cá nhân nhưng đây vẫn là thứ không thể thiếu, nhằm đề phòng trường hợp phải chiến đấu với biệt kích đối phương hay một lực lượng nào đó tìm cách xâm nhập thành công lên tàu.

Súng trường tấn công M16A2 trang bị cho cán bộ, chiến sĩ tàu tuần tra CSB 8020. Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam

Súng trường tấn công M16A2 trang bị cho cán bộ, chiến sĩ tàu tuần tra CSB 8020. Ảnh: Báo Hải quân Việt Nam

Trên thế giới, việc biên chế thêm trong thủy thủ đoàn những người lính đặc nhiệm là việc không có gì mới mẻ, đơn cử như các khu trục hạm của Hải quân Mỹ luôn có một tốp lính thủy đánh bộ trực thuộc để làm công tác bảo vệ.

Điều này theo đánh giá là rất cần thiết vì rõ ràng khả năng sử dụng vũ khí cá nhân của họ tốt hơn hẳn so với những người thủy thủ chuyên nghiệp, bởi vì thủy thủ không thể được huấn luyện chiến thuật bộ binh kỹ lưỡng và thuần thục như lính đặc nhiệm.

Sự có mặt có lực lượng đặc nhiệm hay thủy quân lục chiến trên tàu còn có tác dụng tăng thêm niềm tin, giúp cho kíp điều khiển của chiến hạm yên tâm hơn và không bị phân tâm khi thực hiện nhiệm vụ.

Lính đặc nhiệm Việt Nam

Lính đặc nhiệm Việt Nam

Quay trở lại trường hợp cụ thể của Việt Nam, như bức ảnh đầu tiên, hiện tại chúng ta vẫn chưa có đặc nhiệm trực thuộc kíp tàu như nước ngoài mà cán bộ, thuyền viên đang phải kiêm thêm vai trò này.

Nhưng với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Hải quân, Cảnh sát biển và cả Kiểm ngư, việc xây dựng lực lượng tác chiến đi kèm theo tàu để làm nhiệm vụ an ninh và bảo vệ rõ ràng là yêu cầu đang trở nên cấp thiết.

Trong quá trình xây dựng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn biết cách chắt lọc và học hỏi những kinh nghiệm và mô hình tổ chức hay của nước ngoài để áp dụng vào bản thân. Do vậy chúng ta có thể hy vọng rằng ở tương lai gần, chiến hạm Việt Nam sẽ có lính đặc công hoặc hải quân đánh bộ thuộc biên chế cứng của tàu, vì ưu điểm là rất lớn.