Su-39 trở thành siêu cường kích số 1 thế giới

ANTĐ - Từ khi Su-25 ra đời, Tập đoàn Sukhoi đã liên tục cải tiến Su-25 thành những phiên bản khác nhau, năm 1984 họ đã cho ra mắt phiên bản cường kích chống tăng Su-25T, sau đó là phiên bản Su-25UB và sau đó là Su-25 TM tức là Su-39.

Máy bay cường kích Su-39 “Frogfoot” là sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp hàng không Sukhoi (nguyên là Cục thiết kế Sukhoi thuộc Liên Xô cũ) chế tạo trên cơ sở khung sườn của máy bay cường kích Su-25 “Frogfoot” nhưng với trình độ công nghệ cao hơn rất nhiều. Ban đầu nó được đặt tên là Su-25TM nhưng đến năm 1995, sau một số cải tiến, nâng cấp về động cơ và hệ thống vũ khí hiện đại hơn hẳn thì nó được đổi tên thành Su-39 và đưa vào phục vụ trong lực lượng không quân Nga bắt đầu từ năm 1996.

Su-39 có chiều dài 15,53, sải cánh 14,52m, cao 5,2m, trọng lượng không tải 10,6 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 21,5 tấn, trọng lượng cất cánh thông thường là 16,75 tấn, nó có thể mang tải trọng vũ khí hơn 6 tấn và lượng dầu 4,89 tấn. Su-39 sử dụng 2 động cơ Tumansky R-195 (turbojets) có lực đẩy mỗi động cơ 4500 kg được chế tạo trên cơ sở động cơ R-195 của Su-25, vận tốc bay tuần cận âm 950 km/h, tăng tốc tối đa đoạn ngắn lên 1,2 Mach, độ cao tác chiến 10km, phạm vi tác chiến 2500 km với bán kính hoạt động 900-1000 km.

Su-39 “Frogfoot” là sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp hàng không Sukhoi

Điểm nổi bật nhất của Su-39 là hệ thống vũ khí cực kỳ hoàn thiện với 11 điểm treo vũ khí, bao gồm vũ khí không đối không, tên lửa không đối đất, không đối hải và cả chống radar. Su-39 được lắp đặt pháo 30mm kiểu GSH-30-2 (200 viên đạn) và hệ thống điều khiển pháo NPPU, lắp đặt ở phía đuôi máy bay.

Về vũ khí không đối không, Su-39 được trang bị các loại tên lửa đối không tầm gần R-60T/M/MK (phiên hiệu NATO là AA-8 “Aphid”) và R73 (AA-11 “Archer”), tên lửa không đối không tầm trung R-27 (AA-10 “Alamo”) và R-77 RVV-AE (AA-12 “Adder”).

Về bom tấn công mặt đất, ngoài các loại bom không điều khiển của Su-25, Su-39 còn được trang bị các loại bom 100 và 500kg, bao gồm: bom phi động lực 100kg lắp đặt trên nhiều loại giá vũ khí khác nhau, 8 quả bom chùm (bom bi) KMGU, 2-4 quả bom điều khiển laser và vô tuyến KAB-500KR/L.

S-39 được trang bị hàng loạt loại vũ khí tấn công đối đất/đối hải, bao gồm: rocket phi động lực cỡ lớn S-24, S-25L với hệ thống dẫn phóng B-8 và B-13; tên lửa đối đất điều khiển bằng laser bán chủ động Kh-25 ML/MR/T (AS-10A/B/C Karen); Kh-29T/L/ML (AS-14 Kedge).

Jaguars còn kém Su-39 rất xa

Mặc dù các loại tên lửa Kh-25 và Kh-29 đều có thể sử dụng trong nhiệm vụ đối hạm và đối đất nhưng Su-39 vẫn được trang bị thêm loại tên lửa hành trình đối hạm chuyên dụng Kh-35 Uran (AS-20 Kayak) và loại tên lửa đối đất được mệnh danh là “vũ khí tấn công ngoài khu vực phòng không” Kh-59MK (AS-18 Kazoo) có tầm bắn 285km.  

Ngoài ra, Su-39 còn được trang bị một loại vũ khí chuyên dụng chống radar là Kh-31P/A (AS-17 Krypton) có tầm bắn trên 100km, khi cần tập trung đánh phá các trận địa radar phòng không nó cũng có thể thay thế Kh-29T/L/ML bằng phiên bản chống radar Kh-29MK. Đặc biệt là Su-39 còn được trang bị 16 quả tên lửa chống tăng AT-16 Vihr, có khả năng bắn cháy tất cả các loại xe tăng hạng nặng.

Với các loại vũ khí tấn công này, Su-39 vừa có thể thực hành không kích như các loại tiêm kích đánh chặn, đồng thời cũng có khả năng tấn công trên biển cực mạnh, đặc biệt là khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất đa dạng như: tăng - thiết giáp, xe chiến đấu bộ binh, trận địa tên lửa, công sự kiên cố, sân bay, cầu đường và cả bộ binh địch. Đánh giá riêng về hỏa lực thì Su-39 đứng đầu trong số các máy bay cường kích trên thế giới hiện nay, nhưng nó cũng có một số điểm yếu, đặc biệt là tốc độ thấp, trần bay hạn chế và bán kính tác chiến ngắn.

Su-39 vượt trội so với Tornado của Italia

Để khắc phục những điểm yếu này, hiện Nga đang triển khai nghiên cứu, chế tạo một phiên bản Su-39 mới được xếp vào thế hệ 4+. Phiên bản mới này có kích thước lớn hơn Su-39 (21,9m x 14,7m x 5,9m), trọng lượng cất cánh tối đa 33,6 tấn, thông thường là 25 tấn, ngoài ra, tất cả các tính năng khác đều vượt trội thế hệ cũ. Tốc độ của phiên bản mới được nâng cao gấp bội khi nó sử dụng 2 động cơ thế hệ AL-35F với lực đẩy của mỗi động cơ là 13.600 kg, cho phép máy bay đạt tốc độ 2550 km/h, tầm bay 4100 km, bán kính tác chiến 1800 km, độ cao bay tối đa 18 km, trọng lượng vũ khí cũng được nâng lên. Ngoài ra, Nga cũng triển khai chế tạo một loại tên lửa không đối đất cực kỳ lợi hại, dẫn đường bằng ảnh hồng ngoại để lắp đặt trên phiên bản mới này.

Nhìn tổng thể, những tham số kỹ thuật này cũng không quá vượt trội các loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 hiện nay, nhưng so với các loại máy bay cường kích thì nó đã nhỉnh hơn 1 chút so với máy bay cường kích siêu âm mới cải tiến trên cơ sở A-10C của Mỹ và vượt rất xa các loại máy bay cường kích khác như máy bay cường kích tốc độ dưới âm Q-5E của Trung Quốc và các loại cường kích bằng và siêu âm như: Harrier-II, Jaguars, Tornado GRs của các nước châu Âu.

Phiên bản nâng cấp mới nhất từ A-10C của Mỹ cũng không phải đối thủ của Su-39

Có thể nói, sau khi khắc phục triệt để những hạn chế về động cơ để nâng cao tốc độ, phạm vi tác chiến và độ cao bay, các tham số kỹ thuật của phiên bản Su-39 cải tiến đã sánh ngang với các loại tiêm kích đa năng hàng đầu trên thế giới hiện nay nhưng hơn hẳn về khả năng tấn công đa dạng, đặc biệt là vượt trội về khả năng tấn công mặt đất để trở thành một “siêu cường kích đa năng” số 1 thế giới.