Sóng gió quanh việc trao trả 2 hòn đảo trên Biển Đỏ

ANTĐ - Chính trường quốc gia nhiều bất ổn ở Trung Đông là Ai Cập lại rung chuyển vì quyết định trao trả hai hòn đảo trên Biển Đỏ mà nước này quản lý hơn nửa thế kỷ nay cho quốc gia láng giềng Arập Xêút.

Sóng gió quanh việc trao trả 2 hòn đảo trên Biển Đỏ ảnh 1

Người dân Ai Cập biểu tình phản đối trao trả hai hòn đảo  cho Arập Xêút

Quốc hội Ai Cập ngày 17-4 đã quyết định thành lập một ủy ban để xem xét quyết định của chính phủ nước này chuyển giao hai hòn đảo Tiran và Sanafir ở eo biển Tiran trên Biển Đỏ cho Arập Xêút. Chính phủ Ai Cập ngày 9-4 vừa qua đã quyết định chuyển giao hai hòn đảo Tiran và Sanafir cho Arập Xêút song đến nay, Quốc hội Ai Cập vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản hay văn kiện nào liên quan đến thỏa thuận chuyển giao hai đảo chiến lược quan trọng này.

Thông tin về việc Chính phủ Ai Cập quyết định trao trả hai hòn đảo  cho quốc gia Arập Xêút láng giềng bên kia Biển Đỏ vừa loan ra đã làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối rầm rộ của dân chúng. Đến nay, làn sóng làn sóng biểu tình phản đối “hành vi bán đất” và kêu gọi “chính phủ từ chức” đã lan rộng ở 13 tỉnh thành, trong đó có Thủ đô Cairo, khiến lực lượng đặc nhiệm với trang bị hạng nặng phải can thiệp, bắt giữ tổng cộng khoảng 250 người.

Trước những tranh cãi và chỉ trích của dư luận trong nước, Trung tâm Thông tin và hỗ trợ quyết định (IDSC) trực thuộc Chính phủ Ai Cập đã công bố các tài liệu chứng minh rằng đảo Tiran và Sanafir trước năm 1950 vốn thuộc chủ quyền của Arập Xêút. Hai quốc gia này cũng không có tranh chấp chủ quyền liên quan đến đảo Tiran và Sanafir, nhưng hai hòn đảo này được giao cho Ai Cập kiểm soát vào năm 1950 trong bối cảnh leo thang xung đột với Israel.

Năm 1957, Tổng thống Ai Cập khi đó là Gamal Abdel Nasser tuyên bố không cho tàu thuyền Israel qua lại eo biển giữa hai hòn đảo Tiran và Sanafir nằm ở cửa ngõ phía Nam Vịnh Aqaba, án ngữ đường vào cảng Eliat, cảng biển duy nhất của Israel tại Biển Đỏ. Coi đây là hành động ảnh hưởng đến tự do hàng hải và an ninh quốc gia, thậm chí gây chiến, Iseael đáp trả bằng một cuộc không kích phủ đầu vào Ai Cập và các đồng minh Arập. 

Trong cuộc chiến tranh Israel-Arập năm 1967, Israel đã chiếm hai hòn đảo Tiran và Sanafir. Tuy nhiên, sau hiệp ước ký năm 1979 với Israel, hai hòn đảo này trở về với Ai Cập và Cairo đã quản lý chúng từ đó tới nay.

Thế nhưng, IDSC lúc này cho rằng nhiều tài liệu chứng minh rằng đảo Tiran và Sanafir vốn thuộc chủ quyền của Arập Xêút, trong đó có Nghị định Tổng thống 1990 (trong đó nêu rõ hai đảo này nằm ngoài biên giới Ai Cập), các công hàm năm 1988 và 1989 giữa Bộ Ngoại giao Ai Cập và Bộ Ngoại giao Arập Xêút, cũng như bản đồ Liên hợp quốc từ tháng 11-1973. Song người nhiều người Ai Cập đã xem hai hòn đảo mà họ phải đổ máu bảo vệ trong các cuộc chiến với Israel là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Việc Cairo nhất trí trao trả hai đảo trên Biển Đỏ cho Arập Xêút vào thời điểm hiện nay là vấn đề hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh Tổng thống El-Sisi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn ở trong nước, nhất là thiếu vốn đầu tư nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đang èo uột sau nhiều năm bất ổn.

Rất đáng chú ý là chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ Ai Cập quyết định trao trả hai hòn đảo cho Arập Xêút, Quốc vương nước này Salman trong chuyến thăm tới Cairo đã ký kết hàng loạt thoả thuận đầu tư trị giá hơn 20 tỷ USD, trong đó có khoản hỗ trợ phát triển 1,5 tỷ USD.