“Sợ sét đánh” nhưng F-35 của Mỹ vẫn đắt hàng

ANTĐ - Mặc dù một điều tra đầu tháng 11/2012 cho biết, F-35 Lightning II không hoạt động được ở những khu vực có nhiều sấm sét nhưng trong năm 2012 nó vẫn rất đắt hàng.

Công ty hàng không nổi tiếng của Mỹ Lockheed Martin đã công bố báo cáo tổng kết dự án máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II năm 2012: Trong năm qua, công ty này đã bàn giao 30 chiếc “máy bay tấn công liên hợp” F-35 (F-35 Lightning II “Joint Strike Fighter”) cho các đối tác trong và ngoài nước, các thử nghiệm bay đã đạt được những kết quả rất tốt. Số lượng máy bay bàn giao năm 2012 cao gấp hơn 2 lần năm trước. Năm 2011, Lockheed Martin đã hoàn tất chuyển giao 13 chiếc, tất cả đều cung cấp cho không quân và hải quân Mỹ.

Phiên bản cất hạ cánh thông thường  F-35A (CTOL)
30 chiếc bàn giao trong năm 2012 bao gồm 11 chiếc cất hạ cánh thông thường F-35A (CTOL), 18 chiếc hạ cánh thẳng đứng và cất cánh trên đường băng ngắn (STOVL) F-35B và 1 chiếc dùng trên tàu sân bay (CV) F-35C. 2 trong số 18 chiếc hạ cánh thẳng đứng và cất cánh trên đường băng ngắn bàn giao cho hải quân Anh, đây là những chiếc máy bay đầu tiên thuộc loại này bàn giao cho các nước đồng minh.

Theo kế hoạch đã định trước, trong năm 2012, các loại F-35 sẽ bay thử nghiệm 988 lượt, sát hạch 8458 hạng mục khác nhau nhưng trên thực tế số lượt bay đã tăng lên đến 1167, hoàn tất thử nghiệm 9319 hạng mục. Các nội dung chính của dự án F-35 đã thực hiện trong năm qua, bao gồm:

Một: Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Banerta tuyên bố quy trình thử nghiệm F-35 đã hoàn tất, tiến độ thử nghiệm nhanh hơn so với dự kiến khoảng 1 năm.

Hai: Giao cho hải quân Anh 2 chiếc F-35B.

Ba: Lô máy bay F-35B đầu tiên gồm 3 chiếc đã được bàn giao cho căn cứ hàng không Yuma thuộc lực lượng hải quân đánh bộ, bắt đầu giao đoạn huấn luyện bay thực tế và tác chiến chiến thuật.

Hải quân Anh đã nhận 2 chiếc F-35B hạ cánh thẳng đứng và
cất cánh trên đường băng ngắn (STOVL) 

Bốn: Hoàn thành việc đánh giá hiệu quả tác chiến của liên đội máy bay chiến đấu 33 thuộc căn cứ không quân Eglin. Bộ tư lệnh đào tạo và huấn luyện không quân tuyên bố, riêng năm 2012 liên đội này đã bay thử hơn 700 lượt, đủ điều kiện bắt đầu triển khai huấn luyện phi công năm 2013.

Năm: Na Uy tuyên bố sẽ đặt mua một lô máy bay F-35A. Đây là một hợp đồng mua sắm vũ khí lớn nhất của không quân nước này.

Sáu: Căn cứ không quân Luke được lựa chọn làm căn cứ huấn luyện phi công F-35, sắp tới căn cứ này sẽ tiếp nhận 72 chiếc F-35 để xây dựng biên chế gồm 3 chi đội.

Bảy: Hoàn tất hạng mục thử nghiệm tối quan trọng là sát hạch bắn thử các hệ thống vũ khí trên F-35 cất hạ cánh thông thường và F-35 hạ cánh thẳng đứng và cất cánh trên đường băng ngắn. Trong đó, F-35A đã thực hành 4 lần phóng thử vũ khí trên độ cao lớn, lần đầu tiên tiến hành bay tập và tiếp dầu trong đêm.

Tám: Tổng số giờ bay của các phiên bản F-35 đã vượt qua con số 5000h.

Phiên bản F-35C dùng trên tàu sân bay (CV)

Trước đây, giá của 3 phiên bản F-35A/B/C lần lượt là 109,5; 117,7 và 130,5 triệu USD/chiếc, đến tháng 11/2012, Bộ Quốc phòng Mỹ và công ty Lockheed Martin đã thống nhất giảm giá xuống lần lượt 105, 113 và 125 triệu USD/chiếc. Vì vậy, ngay cả khi đầu tháng 11/2012 đã manh nha có thông tin F-35 không hoạt động được ở những khu vực có sấm sét thì nó vẫn được nhiều khách hàng đặt mua, vì tính bình quân mỗi chiếc đã hạ xuống từ 4,5 – 5 triệu USD/chiếc.
Hiện nay, F-35 đang đứng trước tương lai sáng sủa khi hàng loạt nước đã ngỏ ý mua với số lượng không nhỏ. Ngày 19/12 vừa qua, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ Namik Tan đã khẳng định với báo giới là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tham gia chương trình này và dự định sẽ mua khoảng 100 chiếc F-35. Cũng trong tháng 12/2012, chính phủ Canada và Australia cũng đã thảo luận về tương lai của dự án, Australia sẽ mua 12 chiếc F-35, còn Na Uy khẳng định sẽ mua nhưng chưa ấn định số lượng.