So J-15 hơn Su-33, Trung Quốc lại đang tự huyễn hoặc mình

ANTĐ - Tờ “Nhân Dân nhật báo” Trung Quốc vừa có bài so sánh máy bay tiêm kích hạm J-15 mà Trung Quốc đang phát triển, với chiếc Su-33 được Liên Xô nghiên cứu, chế tạo từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Gần đây, chiếc tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc liên tiếp hoàn thành các chuyến thử nghiệm. Trong đó, quan trọng nhất là đợt thử nghiệm cất, hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh với tải trọng cất cánh tối đa, mang theo toàn bộ tải trọng bom đạn và nhiên liệu.

Ngoài ra, J-15 còn thực hiện một số hạng mục khác như: Công tác tổ chức của các nhóm bảo đảm tiêm kích hạm; tổ chức bảo đảm tác chiến khẩn cấp; cất, hạ cánh liên tiếp nhiều máy bay trong một khoảng thời gian quy định và giãn cách ngắn. Việc hoàn tất các thử nghiệm này đã đánh dấu mốc quan trọng trên con đường hình thành năng lực tác chiến của tiêm kích hạm trên tàu sân bay.

Sau khi J-15 hoàn tất thử nghiệm với tải trọng bom đạn, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã đánh giá nó vượt trội máy bay cùng loại Su-33 của Nga hiện đang sử dụng, mang được lượng bom đạn nhiều hơn nhưng lại có phạm vi tác chiến xa hơn.

Về vấn đề này chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, J-15 có rất nhiều ưu điểm so với Su-33. Đầu tiên là J-15 có số điểm treo vũ khí nhiều hơn, chủng loại vũ khí mang theo đa dạng hơn, lượng bom đạn cũng nhiều hơn, tính năng của vũ khí trang bị cũng ưu việt hơn loại tiêm kích hạm của Nga.

Thứ 2 là hệ thống dẫn đường, điện và điện tử của Su-33 kém hơn J-15, thao tác cũng rất phức tạp. Thứ 3 là hệ thống radar và điều khiển bay của Su-33 lạc hậu rất nhiều so với tiêm kích hạm Trung Quốc, thứ 4 là J-15 áp dụng những công nghệ vật liệu tổng hợp tiên tiến, nâng cao tính năng tàng hình cho máy bay.

So J-15 hơn Su-33, Trung Quốc lại đang tự huyễn hoặc mình ảnh 1

Tiêm kích hạm J-15 đã hoàn tất hạng mục huấn luyện cất, hạ cánh trên tàu sân bay, với tải trọng bom đạn


Ông Lý Kiệt cho biết, tính năng của J-15 hiện có thể bằng, thậm chí nhỉnh hơn tiêm kích hạm tiên tiến nhất của Mỹ là F/A-18 Super Hornet. Trong tương lai, qua quá trình vừa thử nghiệm, vừa điều chỉnh, tính năng của tiêm kích hạm J-15 còn có thể nâng cao hơn nữa. Các phi công tiêm kích hạm sau khi trải qua huấn luyện lâu dài và khoa học cũng sẽ có trình độ ngang ngửa với các phi công của cường quốc tàu sân bay số 1 thế giới.

Tuy vậy ông Lý Kiệt không chỉ ra một vấn đề là J-15 - thế hệ tiêm kích hạm mới nhất của họ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và nó được chế tạo từ chính nguyên mẫu Su-33. Loại tiêm kích hạm này được Liên Xô sản xuất với công nghệ những năm 80 của thế kỷ 20, còn J-15 thuộc về thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, thực chất quá trình phát triển J-15 của họ chính là sự nâng cấp của tiêm kích hạm Su-33, vì vậy nếu J-15 kém hơn mới là chuyện lạ.

Thời gian gần đây, các chuyên gia quân sự Trung Quốc rất thích so sánh các loại vũ khí nước mình vừa chế tạo với những loại vũ khí các nước khác chế tạo vài chục năm trước và đánh giá vũ khí của mình ngang ngửa hoặc trội hơn. Ví dụ như khoe tàu khu trục Type 052D sánh ngang tàu khu trục lớp Arleigh Burke sản xuất trong thập niên 80 của Mỹ, so máy bay trinh sát chống ngầm GX-6 đang phát triển với P-3C Orion từ những thập niên 70, tên lửa hành trình DH-10 vừa phát triển sánh ngang Tomahawk.

Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc thực chất là phiên bản nâng cấp sau gần 30 năm của Su-33 của Nga 

Còn có thể kể ra hàng chục so sánh tương tự như: máy bay tiêm kích J-11 và J-16 vượt trội Su-30, J-20 sánh bằng F-35, tên lửa phòng không HQ-9 không hề kém S-300, xe tăng T-99 trên cơ T-90, máy bay không người lái CH-4 sánh ngang Predator của Mỹ… Dường như bất cứ loại vũ khí nào mà Trung Quốc sản xuất cũng đều lấy đích nhắm là vũ khí Nga, Mỹ và các chuyên gia Trung Quốc luôn tìm cách nâng tầm vũ khí của mình là “không hề kém 2 cường quốc nói trên”.

Khi người ta thấp người ta thường ngước nhìn lên trên, khi người ta kém người ta thường lấy đích nhắm là những kẻ giỏi hơn mình. Đây là nguyên tắc phấn đấu vươn lên với tất cả mọi người nhưng dường như các chuyên gia Trung Quốc đang “tự sướng”, tự huyễn hoặc mình, thực chất đây chỉ là kiểu “chiến thắng tinh thần”.

Không thể phủ nhận là Trung Quốc đã có những bước tiến vượt bậc về công nghiệp quốc phòng, nhưng vẫn còn thua kém 2 cường quốc nói trên và họ đang tự huyễn hoặc bản thân, khi mang so những vũ khí mới nhất của mình với những loại các nước khác đã sử dụng được vài chục năm!