Sinh bệnh vì cây cảnh trong nhà

Thấy mấy cây quỳnh, lan, nhài nở đẹp lại thơm, mẹ bé Minh bê cả chậu vào để cả nhà được thưởng thức. Nào ngờ, chính hương thơm này khiến con chị phải vào viện vì bị mẩn ngứa, khó thở, suy hô hấp.

Sinh bệnh vì cây cảnh trong nhà

Thấy mấy cây quỳnh, lan, nhài nở đẹp lại thơm, mẹ bé Minh bê cả chậu vào để cả nhà được thưởng thức. Nào ngờ, chính hương thơm này khiến con chị phải vào viện vì bị mẩn ngứa, khó thở, suy hô hấp.

Nhiều người nghĩ cứ có cây xanh trong nhà là cải thiện được môi trường sống. Tuy nhiên, trồng cây trong phòng không tốt cho hệ hô hấp, nhiều khi dẫn đến dị ứng.

Dược sĩ Phan Đức Bình, Phó tổng biên tập tạp chí Thuốc và sức khỏe, cho biết, cây cũng có quá trình hô hấp. Ban ngày, lá nhận khí cacbonnic trong không khí, nước do rễ cây đưa lên và ánh sáng mặt trời, qua phản ứng quang tổng hợp sinh ra các chất đạm, bột đường, chất béo và thải ra oxy. Ban đêm, lá cây nhận oxy và thải ra khí cacbonnic.

Nếu bạn để quá nhiều cây trong nhà và đóng kín cửa thì ban đêm ở sàn nhà sẽ có lượng lớn khí cacbonnic. Vì thế, theo các chuyên gia, không nên để nhiều cây cảnh trong nhà, nếu thích thì ban đêm nên mang ra ngoài sân cho cây hứng sương, đồng thời thải khí độc ra ngoài. Những khí này nặng hơn không khí nên chỉ bay là là dưới mặt đất, một thời gian sẽ thoát đi theo gió.

Dị ứng do cây cảnh

Nếu bạn có trồng cây cảnh trong nhà và thỉnh thoảng cảm thấy cay mắt, chảy nước mũi, nổi mề đay một cách vô cớ thì hãy nghĩ đến chứng dị ứng do cây cảnh.

Chỉ cần ngồi trong phòng với 2-3 chậu hoa trong vòng 10 phút thì tự nhiên anh Phạm Huy Trung, một sinh viên du học nước ngoài về bị cay mắt và nước mũi chảy thành giọt. Hiện tượng này chỉ chấm dứt khi anh đi sang phòng khác. Đi khám nhiều nơi nhưng mãi sau này bác sĩ mới tìm ra nguyên nhân gây dị ứng là cây sung lùn trồng ngay ở góc bàn tiếp khách nhà anh.

Bệnh viêm mũi dị ứng có thể do những chất sinh ra từ hoa, quả, nhựa sung. Chất gây dị ứng sẽ phát tán trong không khí, khiến chứng viêm mũi và viêm giác mạc cùng xuất hiện. Nếu dễ bị dị ứng với cây có lá xanh hoặc phấn hoa, bạn nên tránh sờ vào cây, nhất là lúc nó đâm chồi.

Dị ứng lâu ngày có thể làm khởi phát cơn hen phế quản hoặc viêm mũi dị ứng dai dẳng. Các chất gây dị ứng rất dễ phát tán. Muốn loại bỏ chúng thì phải quét dọn, lau nhà thật kỹ. Ngoài cây sung, cây chanh cũng có thể gây viêm mũi và hen. Cây xương rồng, hướng dương và cây có quả cũng có thể gây dị ứng.

Bác sĩ Quách Thị Cần, Phó trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết, tùy cơ địa từng người mà mức độ dị ứng đối với cây trồng cũng rất khác nhau. Cơ địa nhạy cảm thì một chút phấn hoa thôi cũng gây nên dị ứng. Có người, với cả các loại cây có vẻ vô hại cũng có thể bị. Trong trường hợp này, khi chăm sóc cây cảnh, bạn cần rửa lá thường xuyên, thay nước tù trong lọ, loại bỏ ngay những mảng nấm mốc trắng hay vàng hình thành trên bề mặt đất ẩm. Theo bác sĩ, điều trị bệnh dị ứng với cây cảnh chủ yếu là loại bỏ những tác nhân gây bệnh.

Chỉ nên trồng nhiều cây cảnh, cây xanh ngoài vườn, đường đi hoặc bất cứ nơi nào còn đất trống. Đối với cây trong nhà, buổi đêm nên để ra ngoài ban công. Trước khi trồng, bạn nên hỏi ý kiến các bác sĩ hô hấp nếu có cơ địa nhạy cảm.

Theo KH&ĐS