Singapore giúp người nghỉ hưu tiếp tục làm việc

ANTD.VN - Sinapore đưa ra “chính sách tái sử dụng lao động” nhằm khuyến khích công dân tiếp tục làm việc sau tuổi về hưu là 62. Họ cho phép các ông chủ được linh hoạt khi quyết định nhân sự cao tuổi cũng như áp dụng các điều khoản liên quan tới việc tái sử dụng lao động. 

Singapore giúp người nghỉ hưu tiếp tục làm việc ảnh 112% lực lượng lao động Singapore hiện trên 60 tuổi

Khuyến khích làm việc sau khi nghỉ hưu

Mỗi ngày khi trở về nhà, bà Kuan Ying phải tháo chân giả từ đầu gối ra. Căn bệnh tiểu đường cấp tính đã khiến bà mất đi phần dưới của một cẳng chân và tất cả các ngón chân của bàn chân còn lại. Năm nay đã 72 tuổi nhưng dường như bà Kuan Ying không để ý tới điều đó. Công việc của những người như bà Kuan Ying có thể rất dễ dàng đối với một người trẻ tuổi khỏe mạnh hơn, với mức lương thấp hơn. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore đang tích cực giúp người già tiếp tục làm việc.

Độ tuổi có thể được tái sử dụng lao động tối thiểu là 65 vào năm 2012, tới năm 2017, nó sẽ tăng lên 67 và hơn thế nữa tùy theo sự thỏa thuận của hai bên. Ngoài ra, Singapore cũng thắt chặt việc tuyển thêm lao động nước ngoài để nhiều công dân của mình dễ tìm việc hơn.

Lý do của việc trên là dân số Singapore ngày càng già hóa nhanh. Đến năm 2030, cứ 5 người ở quốc gia này thì có 1 người hơn 60 tuổi. Ngoài ra, người Singapore có tuổi thọ đứng thứ ba thế giới: 82,7 tuổi.

Người Singapore được cho là làm việc nhiều giờ nhất trên thế giới, trung bình 2.402 giờ mỗi năm và số giờ làm việc của bà Kuan Ying là 3.042 giờ/năm. Thông thường, tới 22h đêm nhưng bà Kuan Ying vẫn phục vụ đồ uống và dọn dẹp cửa hàng trong chợ, công việc của bà dường như luôn chân luôn tay. Con trai bà, William đã khuyên bà không nên làm việc như vậy: 28 ngày một tháng với mức thù lao 1.600 đô la Singapore và không làm thêm giờ. Tuy nhiên, bà Kuan Ying rất biết ơn công việc vì nó giúp bà đỡ buồn, tiết kiệm tiền chữa bệnh và bớt gánh nặng cho con trai khi mức thu nhập của cậu là 2.000 đô la Singapore/tháng.

Chính sách toàn diện và nhân văn

Singapore có lịch sử không khuyến khích phúc lợi mà có xu hướng tin vào trách nhiệm của cá nhân. Tuy nhiên, theo Radha Basu, một cựu nhà báo của tờ Straits Times: “Trong những năm gần đây, nhiều chính sách đã toàn diện hơn, nhân văn hơn  nhằm giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi giờ có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân và mạng lưới an sinh xã hội đã được tăng cường”.

Sau phẫu thuật loại bỏ ngón chân rồi ống chân, bà Kuan Ying vẫn quyết tâm làm việc trở lại. Sáu tháng trước bà nhận được một công việc gần nhà khiến cho mọi việc thuận tiện hơn, bà không yêu cầu ngày nghỉ mỗi tuần hay chê lương thấp. Đầu năm nay, bà nhận được một tấm thẻ “Thế hệ tiên phong” của Chính phủ. Đây là loại thẻ giúp trợ cấp về y tế cho những người sinh từ năm 1959 và trước đó. Tuy trong số những người nhận thẻ nhiều người không nói được tiếng Anh và không được học hành nên công việc cho họ chủ yếu là những việc đơn giản nhất.

Chính sách tái sử dụng lao động và những ưu đãi đi kèm đã tăng tỷ lệ người lao động cao tuổi ở quốc đảo này. Năm 2006, 5,5% lực lượng lao động ở đây trên 60 tuổi, đến năm 2015, con số này đã tăng lên 12%. Mặc dù vậy,  người già chủ yếu làm các công việc có mức lương thấp như lau dọn, bảo vệ và bán hàng.

Theo con số thống kê của Bộ Nhân lực năm 2015, 73% người làm vệ sinh và người lao động đều trên 50 tuổi. Trong các nhà máy, hoạt động và lắp ráp máy móc, tỷ lệ này là 66%. Nhiều người Singapore hiểu rằng chính sách của Chính phủ đã giúp cho người già linh hoạt hơn và có được nguồn thu nhập độc lập.