Siêu tăng T-80BVM sau nâng cấp mạnh hơn cả T-90M Proryv 3

ANTD.VN - Hiện nay các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thuộc họ T-72 và T-90 của Nga là đối tượng thu hút sự quan tâm nhiều nhất từ giới truyền thông.

Tại các đơn vị tinh nhuệ của Quân đội Nga, số lượng xe tăng T-72B3 nâng cấp cùng T-90M Proryv 3 dự kiến sẽ nhanh chóng gia tăng để đảm nhiệm vai trò tạo ra mũi nhọn có sức xuyên phá mạnh.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng vào thời kỳ chiến tranh Lạnh, chỉ các sư đoàn cận vệ hay đơn vị bố trí sát biên giới NATO mới được trang bị xe tăng T-80, còn T-72 chỉ biên chế cho các đơn vị tuyến sau, điều này là do T-80 có rất nhiều ưu điểm so với T-72.

Thứ nhất, hệ thống nạp đạn tự động của T-72 là cơ - điện, kém hiện đại và tin cậy hơn so với hệ thống điện - thủy lực của T-80.

Thứ haicác tính năng bảo vệ của T-80 cao hơn so với T-72 nhờ sử dụng giáp phức hợp nhiều lớp kết hợp với giáp phản ứng nổ, trong khi T-72 chỉ dùng thép thường và có độ dày kém hơn.

Thứ ba, T-80 sử dụng động cơ turbine khí có thể tích nhỏ song lại cho công suất lớn, dẫn đến tỷ lệ công suất/trọng riêng lớn hơn, nhờ vậy khả năng cơ động việt dã và tốc độ cao hơn so với T-72.

Sau quãng thời gian dài bị “bỏ bê” vì tình hình tài chính của nước Nga đi xuống khiến tạm thời bị các biến thể T-72/90 nâng cấp vượt mặt thì mới đây Moskva đã bắt đầu hiện đại hóa số lượng lớn xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BV của họ lên chuẩn T-80BVM.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM của Quân đội Nga

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-80BVM của Quân đội Nga

Theo số liệu từ tạp chí Military Balance, hiện nay Quân đội Nga đang niêm cất bảo quản 3.000 xe tăng T-80BV trong các kho dự trữ. Bên cạnh đó là 200 chiếc T-80U thuộc biên chế Sư đoàn Xe tăng Cận vệ số 4 Kantemirovskaya.

Sau nâng cấp, những xe tăng T-80BV trên sẽ có động cơ mới ít tiêu hao nhiên liệu hơn, đi kèm hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân và còn được tăng cường khả năng bảo vệ. Những chiếc MBT đầu tiên đã chuyển giao cho Quân đội Nga trong năm 2017.

Cụ thể, động cơ turbine khí GTD-1000T/TF trên những chiếc T-80BV cũ với công suất 1.000 - 1.100 mã lực sẽ được thay thế bằng loại GTD-1250 1.250 mã lực cho hiệu suất hoạt động cao hơn, chúng mạnh mẽ hơn nhiều so với loại V-92S2F công suất 1.130 mã lực lắp cho T-72B3 và T-90M.

Bên cạnh đó, hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) Sosna-U sẽ được tích hợp kính ngắm ảnh nhiệt, thiết bị đo xa laser và bám bắt mục tiêu tự động. Xe tăng còn trang bị thêm hệ thống phòng vệ chủ động (Shtora-1 hoặc Arena) cũng như giáp phản ứng nổ Relikt để chống lại các loại rocket hay tên lửa diệt tăng của đối phương.

Tính năng kỹ chiến thuật của chiếc T-90M Proryv 3 chưa chắc đã sánh ngang được với T-80BVM

Tính năng kỹ chiến thuật của chiếc T-90M Proryv 3 chưa chắc đã sánh ngang được với T-80BVM

Sau nâng cấp, Quân đội Nga sẽ nhận được các xe tăng hiện đại có khả năng làm việc ở nhiệt độ thấp tốt hơn những loại khác. Đây là điều kiện tối quan trọng đối với phương tiện quân sự hoạt động tại vùng khí hậu lạnh giá như nước Nga.

So sánh về mức độ bảo vệ, dễ nhận thấy bộ giáp bao bọc ở phần mũi, tháp pháo và bên hông của T-80BVM không thua gì T-90M với các phiến giáp phản ứng nổ Relikt thế hệ 3 che kín các vị trí hiểm yếu, độ nghiêng lớn của giáp còn khiến cho đạn xuyên khó xâm nhập hơn gấp bội, chưa kể các lớp giáp composite phía trong của T-80 nguyên bản vẫn được đánh giá cao hơn dòng T-72/90.

Cuối cùng, hỏa lực của T-80BVM đã không còn thua kém gì T-90M/MS nhờ trang bị pháo nòng trơn 125 mm thế hệ mới nhất, bắn được các loại đạn đặc biệt, hệ thống kiểm soát bắn của nó đồng thời là khí tài trên T-90 nâng cấp.

Do vậy không quá lời khi nói rằng T-80 đang dần lấy lại vị thế là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh nhất như trước kia, vị trí chủ công trong các sư đoàn xe tăng trong lúc chờ đợi T-14 Armata xuất xưởng với số lượng lớn nhiều khả năng sẽ là của T-80BVM chứ không phải T-90M Proryv 3 như dự đoán ban đầu.