Siết lại hoạt động kinh doanh xăng dầu, gas

ANTĐ - Sau nhiều ồn ào cho rằng việc quản lý chất lượng xăng dầu, giá gas thiếu chặt chẽ trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có văn bản chính thức khẳng định, hai mặt hàng này sẽ bị quản chặt trong thời gian tới.

Cần quyết liệt hành động để bảo vệ người tiêu dùng

Chất lượng xăng: doanh nghiệp phải chịu

Đó là khẳng định của Bộ Công Thương trước tình trạng xăng dầu không đảm bảo chất lượng, bị pha trộn xảy ra tại một số địa phương: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… trong thời gian qua. Không chỉ doanh nghiệp đầu mối, mà các tổng đại lý, đại lý bán lẻ đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, vi phạm về chất lượng là vi phạm chủ yếu liên quan đến mặt hàng xăng dầu gần đây với 37 vụ. Theo đại diện các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, gian lận chất lượng có thể xảy ra trong khâu vận chuyển từ nơi tồn trữ đến cửa hàng bán lẻ. Bởi vậy, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp đầu mối phải hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng, giám sát các khâu (từ nhập khẩu đến khâu bán lẻ), nhất là vận chuyển từ tổng kho của các doanh nghiệp đầu mối về tổng đại lý, đại lý và từ tổng đại lý đến các cửa hàng bán lẻ. Chủ động hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí và người tiêu dùng về tình hình kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu trong hệ thống của mình. Bộ Công Thương cho biết, trọng tâm kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) sẽ là chất lượng, điều kiện kinh doanh, quy định về đại lý kinh doanh xăng dầu.

Giám sát giá gas và hệ thống bán lẻ

Đó là yêu cầu của Bộ Công Thương đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Cụ thể, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/TTg ngày 20-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng. Bên cạnh đó, làm tốt công tác đăng ký giá, niêm yết và các quy định liên quan trong hệ thống phân phối của mình, bao gồm cả các cơ sở đại lý, bảo đảm thực hiện đúng các quy định pháp luật về đại lý. Lực lượng quản lý thị trường các địa phương sẽ kiểm tra việc chấp hành này của doanh nghiệp và đại lý gas.

Theo đại diện các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu gas, Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) hiện chiếm đến 60% nguồn gas sản xuất trong nước. PV gas tổ chức đấu giá 50% lượng gas này, còn lại tự phân phối trong hệ thống. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp đầu mối tham gia đấu giá gas “nội” thì lượng hàng lại có hạn. Thực tế này đòi hỏi 100% lượng gas sản xuất được trong nước phải đem đấu giá để chống độc quyền, chống thông đồng khâu định giá. Mặt khác, các doanh nghiệp đầu mối gas cũng phản ánh, do lo ngại về tỷ giá thay đổi dẫn đến việc bị thua lỗ nên nhiều doanh nghiệp nhập gas qua PV gas. “Cần có chính sách về tỷ giá ngoại tệ, về đấu giá gas nội địa… để đảm bảo an toàn thị trường”- lãnh đạo một công ty gas kiến nghị.

Bộ Công Thương cho biết sẽ giải quyết những tồn tại về tỷ giá để tăng sự chủ động của doanh nghiệp trong nhập khẩu gas, không quá tập trung vào một đầu mối để tránh rủi ro khi có vấn đề xảy ra. Đề xuất về việc đấu giá gas (LPG) sản xuất nội địa của doanh nghiệp cũng được xem xét giải quyết.