Sẽ sớm đầu tư các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với miền Trung và Đông Nam bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT cho biết, hiện nay, Tây Nguyên chỉ có hai phương thức vận tải chính là đường bộ, hàng không và có quy hoạch đường sắt trong tương lai.

Bộ GTVT cho biết, Bộ này nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến.

Theo đó, cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cho các tỉnh Tây Nguyên, chú trọng đến các tuyến đường đối ngoại liên vùng, đặc biệt sớm xây dựng đường cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ nói chung, TP.HCM nói riêng để tạo động lực cho Tây Nguyên phát triển.

Trả lời về kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, Tây Nguyên chỉ có hai phương thức vận tải chính là đường bộ, hàng không và có quy hoạch đường sắt trong tương lai.

Giao thông đường thủy nội địa trong vùng không phát triển được do chiều dài các sông ngắn, độ dốc lớn, nước chảy xiết về mùa mưa và khô kiệt về mùa khô.

Bộ GTVT cho biết, sẽ sớm đầu tư các tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với miền Trung, Đông Nam bộ và TP.HCM

Bộ GTVT cho biết, sẽ sớm đầu tư các tuyến cao tốc nối Tây Nguyên với miền Trung, Đông Nam bộ và TP.HCM

Với đặc điểm đường sắt đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn so với lĩnh vực khác, khả năng thu hồi vốn chậm, rủi ro đầu tư cao, khả năng nguồn lực trong giai đoạn hiện nay là rất khó cân đối để đầu tư.

Vì vậy, Bộ GTVT xác định đường bộ là phương thức vận tải quan trọng nhất.

Về hệ thống quốc lộ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng Tây Nguyên nên hệ thống giao thông đã và đang được đầu tư (đường Hồ Chí Minh và các tuyến tránh đô thị; QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, đường Trường Sơn Đông; nâng cấp, cải tạo các cảng hàng không) cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân trong vùng Tây Nguyên.

Hệ thống đường bộ cao tốc cho phép vận hành với tốc độ cao, năng lực thông hành lớn và an toàn.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống đường cao tốc, trong đó vùng Tây Nguyên có trục dọc là đường cao tốc Hồ Chí Minh; các trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung và vùng Đông Nam bộ (Quy Nhơn – Pleiku; Dầu Giây – Liên Khương. Dự kiến sẽ quy hoạch tuyến Buôn Ma Thuột – Nha Trang).

Bộ GTVT xác định cần sớm đầu tư các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá để xây dựng các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải, chiến lược phát triển cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ đề xuất danh mục các công trình giao thông thực sự quan trọng, cấp bách cần ưu tiên đầu tư giai đoạn tiếp theo trong vùng Tây Nguyên để trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở thực hiện.

Đồng thời, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội các cơ chế, chính sách cũng như tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm của vùng, kết nối đồng bộ giao thông liên vùng giữa vùng Tây Nguyên với khu vực duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ và cả nước nói chung.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao các đơn vị trực thuộc tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trên các tuyến quốc lộ: 19, 24, 25, 26, 27, 28, 28B và 29 để kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung, làm cơ sở xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định.

Bộ GTVT đã gửi danh mục các dự án nêu trên đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.