Sẽ rút ngắn thời gian điều hành xăng dầu xuống 7 ngày?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ Công Thương đề xuất phương án điều hành giá xăng dầu 7 ngày 1 lần thay vì 10 ngày lần như hiện nay, định kỳ vào thứ Năm hàng tuần.
Điều hành giá xăng dầu trong nước sẽ bám sát hơn với giá thế giới

Điều hành giá xăng dầu trong nước sẽ bám sát hơn với giá thế giới

Ngày 6-1, Bộ Công Thương có văn bản gửi các Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi đáng chú ý của dự thảo này là Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Thực hiện vào ngày cụ thể trong tuần.

Bộ Công Thương cho rằng ưu điểm của phương án này đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát hơn với giá thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là không phù hợp với thời gian nhập khẩu xăng dầu (từ 10-15 ngày). Vì vậy, khi thị trường bất ổn với xu hướng bất lợi, kỳ điều hành quá ngắn sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh. Doanh nghiệp cũng khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu, nhất là khi chu kỳ giá đi xuống.

So sánh giữa 2 phương án điều hành, Bộ Công Thương lựa chọn đề xuất thời gian hai kỳ điều hành giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày. Ngày điều hành sẽ vào thứ Năm hằng tuần (không kể ngày nghỉ lễ nếu trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán”.

Trong trường hợp thứ Năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến 3 tháng 1 Tết Âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển sang ngày mùng 4.

Bình luận về phương án này, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bày tỏ sự ủng hộ với phương án rút ngắn số ngày điều hành. Tuy nhiên, vị đại diện này cho biết, mức chiết khấu giá cho đại lý bán lẻ xăng dầu chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp xăng dầu không đồng tình với việc Bộ Công Thương lấy ý kiến gấp gáp. “Công văn lấy ý kiến ký ngày 6-1, doanh nghiệp phải gửi ý kiến về Bộ Công Thương trước ngày 9-1.

Nhưng giữa thời gian đó là 2 ngày nghỉ cuối tuần. Bộ Công Thương định “đánh đố” doanh nghiệp hay chỉ có công văn lấy kiến mang tính hình thức? Kể cả cần sớm sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 theo cách thức rút gọn thì cách làm như vậy cũng khó hiểu”- đại diện doanh nghiệp nói.