Hãi hùng xe khách “chất lượng cao” (3)

Sẽ gắn “sao” trách nhiệm

ANTĐ - Doanh nghiệp vận tải lâu nay vẫn tự công bố chất lượng dịch vụ của mình, như chất lượng cao, xe “VIP”… và tự chịu trách nhiệm với chất lượng công bố. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng nở rộ kinh doanh xe “chất lượng cao” theo dạng “tự phong”.

Xe “VIP” cũng bắt khách giữa đường

Nở rộ xe “chất lượng cao”

Thống kê của Vụ Vận tải, pháp chế - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến cuối năm 2013, cả nước có 103.000 xe khách và 620.000 xe tải các loại, với 2.681 doanh nghiệp, 586 hợp tác xã và hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể. Chính điều này đã làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý phương tiện, nhất là vấn đề quản lý chất lượng dịch vụ vận tải. Thực tế phần lớn các đơn vị vận tải hiện có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, “núp bóng” doanh nghiệp, hợp tác xã đứng ra làm các thủ tục theo quy định đối với cơ quan quản lý để thu phí dịch vụ. Mọi việc lời lãi ra sao giao phó hết cho chủ xe hoặc lái xe. 

Trong kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, chất lượng dịch vụ bao gồm sự tiện lợi, thoải mái của hành khách, các tiện nghi trên phương tiện; các quyền lợi mà hành khách được hưởng; tính thân thiện của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đối với hành khách; đảm bảo thời gian, hành trình của chuyến đi và đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn trong vận tải.

Từ lâu, chất lượng dịch vụ vận tải đã được xã hội hết sức quan tâm. Trong ngành vận tải cũng đã xuất hiện một số loại hình dịch vụ được đánh giá có chất lượng cao như “xe chất lượng cao”, “VIP”, “xe giường nằm”, … một số doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu. “Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu còn mang tính tự phát, chưa bài bản và các nội dung về chất lượng dịch vụ vận tải chưa đầy đủ, công khai đối với hành khách và chưa áp dụng các quy trình quản lý chất lượng, chưa có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền cũng như của người sử dụng dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định.

Để chấm dứt tình trạng các doanh nghiệp vận tải “tự phong” về chất lượng dịch vụ của mình, Tổng cục Đường bộ cho biết, đang xây dựng đề án tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô. Đề án đã được trình lên Bộ GTVT và đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Dự kiến, cuối quý I hoặc đầu quý II-2014 sẽ ban hành.

Chất lượng cao hay không cao cũng... như nhau

Hạn chế tự phong chất lượng

Đề án sẽ tập trung quản lý trách nhiệm chủ xe, chủ doanh nghiệp, trách nhiệm lái xe... thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại lực lượng vận tải, hướng tới cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả. Với quản lý vận tải hành khách, sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí đánh giá và phân hạng chất lượng dịch vụ: Chất lượng phương tiện; lái xe và nhân viên phục vụ; hành trình; tổ chức, quản lý của đơn vị; quyền lợi của hành khách.

Dựa trên các tiêu chí trên, Tổng cục Đường bộ sẽ tiến hành phân loại hạng chất lượng dịch vụ vận tải. Vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 “sao” đến 5 “sao”, với thang điểm đánh giá là 100 điểm. Những doanh nghiệp xếp loại tốt (4-5 sao) sẽ được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nhân rộng đồng thời quản lý chặt đối với các đơn vị làm chưa tốt (1-2 “sao”).

Trao đổi với phóng viên, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho hay, Bộ GTVT đang xây dựng Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thay thế Nghị định 91 và 93. Nghị định này sẽ được ban hành trong quý I-2014. “Nghị định này sẽ nhấn mạnh vào quản lý doanh nghiệp vận tải, vì bấy lâu chúng ta mới đặt vấn đề quản lý lái xe mà bỏ qua trách nhiệm của doanh nghiệp”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ. 

Theo đó, doanh nghiệp vận tải ô tô khách bắt buộc phải xây dựng quy trình chất lượng dịch vụ và đăng ký. Trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp, Sở GTVT sẽ thanh tra, thẩm định nếu đủ điều kiện, tiêu chí mới cấp giấy phép kinh doanh. “Tiêu chí chất lượng phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; xe mới, hiện đại không đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ tốt”. Trước khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã đăng ký. Phương tiện phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp. Trường hợp xe đăng ký thuộc xã viên hợp tác xã phải có cam kết kinh tế giữa xã viên và hợp tác xã, trong đó quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng của hợp tác xã với xe ô tô thuộc sở hữu của xã viên. 

Ngoài ra, dự thảo Nghị định sẽ hướng tới siết chặt quản lý đối với các hoạt  động vận tải ô tô khác như xe hợp đồng, du lịch, vận tải hàng hóa. Bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô từ 10 tấn trở lên phải có giấy phép kinh doanh, có phù hiệu và bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình.