Sau nghiên cứu lại, cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh tăng vọt thêm 1.500 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng mức đầu tư trình duyệt dự án cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh tăng khoảng 1.510 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban QLDA Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT thẩm định dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan đối với với Tờ trình được gửi đi vào tháng 8/2022. Ban đã giao cho tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn thiện và được Tư vấn thẩm tra thẩm tra.

Theo đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh có điểm đầu được kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875 (lý trình N2) gần mố A2 cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối tại nút giao An Bình (điểm đầu dự án cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chiều dài tuyến cao tốc là khoảng 26,56 km.

Cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh được trình lại với tổng mức đầu tư tăng thêm 1.500 tỷ đồng

Cao tốc Mỹ An- Cao Lãnh được trình lại với tổng mức đầu tư tăng thêm 1.500 tỷ đồng

Trong giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh có quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 32,25m. Trong giai đoạn 1, cao tốc được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế: Chiều rộng mặt cắt ngang 17m.

Tổng mức đầu tư dự án là 6.280 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (gồm dự phòng) 969,205 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 3.988 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 554,295 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 769,195 tỷ đồng.

Như vậy, tổng mức đầu tư trình duyệt tăng khoảng 1.510 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203/QĐ-TTg ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ (4.771 tỷ đồng), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng; chi phí xây dựng tăng khoảng 791 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 227 tỷ đồng tương ứng với các chi phí tăng nêu trên.

Dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc khoảng 4.537 tỷ đồng (tương đương 182,38 triệu USD) sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công… vốn đối ứng khoảng 1.743,938 tỷ đồng sử dụng để thanh toán thuế VAT, chi phí tư vấn trong nước như: chi phí khảo sát, lập dự án đầu tư, thẩm tra thiết kế kỹ thuật, chi phí thẩm tra, quyết toán dự án hoàn thành, chi phí khác… theo các quy định hiện hành; chi phí giải phóng mặt bằng; dự phòng phần vốn đối ứng, phí dịch vụ.

Thời gian thực hiện dự án là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.

Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.