Sau màn thực chiến ấn tượng tại Ukraine, Estonia chi 200 triệu USD mua 'hỏa thần' HIMARS

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Estonia, quốc gia vùng Baltic, đã đặt mua từ Mỹ 6 "hỏa thần" HIMARS của Mỹ, được biết giá trị hợp đồng mua các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt này trị giá hơn 200 triệu USD.

Ông Magnus-Valdemar Saar, tổng giám đốc Trung tâm Đầu tư Quốc phòng Estonia (ECDI), ngày 2/12 ký hợp đồng mua pháo phản lực HIMARS với Cơ quan Hợp tác Quốc phòng An ninh (DSCA) của Mỹ, theo thông cáo từ ECDI.

Với tổng giá trị hơn 200 triệu USD cho 6 tổ hợp "hỏa thần" HIMARS, đây được xem là hợp đồng vũ khí đắt giá nhất lịch sử của quốc gia vùng Baltic. Estonia dự kiến chi thêm tiền mua đạn, thiết bị liên lạc, hậu cần cũng như dịch vụ bảo dưỡng, huấn luyện vận hành.

ECDI không tiết lộ đặt hàng bao nhiêu quả đạn cho tổ hợp HIMARS, nhưng cho biết trong đơn hàng có một số tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km, cùng các rocket có tầm bắn ngắn hơn. Đợt bàn giao đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2024

Những láng giềng Nga ở vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Litva, đã tăng chi tiêu quốc phòng sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2. Litva tháng trước công bố ý định đặt mua 8 hệ thống pháo HIMARS từ Mỹ với tổng giá trị hợp đồng khoảng 495 triệu USD.

Giám đốc điều hành Lockheed Martin Jim Taiclet hồi tháng 10 thông báo tập đoàn quốc phòng Mỹ dự kiến thúc đẩy dây chuyền sản xuất HIMARS từ mức 60 xe phóng hiện nay lên 96 xe phóng một năm.

HIMARS thu hút sự quan tâm của các nước vùng Baltic sau khi thể hiện uy lực và hiệu quả cao trong chiến sự Ukraine. Các tổ hợp HIMARS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đã liên tục tập kích chính xác vào kho đạn, sở chỉ huy, tuyến hậu cần Nga, buộc lực lượng Nga phải rút khỏi thành phố Kherson. Mỹ đã cung cấp 20 tổ hợp pháo HIMARS đến Ukraine từ mùa hè, đóng vai trò lớn giúp Kiev thay đổi cục diện xung đột giữa Ukraine và Nga.

"Hỏa thần" HIMARS do Mỹ sản xuất

"Hỏa thần" HIMARS do Mỹ sản xuất

M142 chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270. Chúng sử dụng khung gầm xe bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích. Xe được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h; tầm hoạt động 480 km; leo được dốc 60%; vượt chướng ngại vật cao 0,6 m; vượt hào rộng 1 m; lội nước sâu 0,9 m.

Mỗi xe phóng mang theo một container chứa 6 ống phóng đạn rocket, các loại đạn được trang bị bao gồm M26, M30, M31, và khi cần container này có thể chứa và phóng một tên lửa MGM-140. Đây là hệ thống có trong trang bị của các nước NATO và cả các quốc gia khác bao gồm cả Nhật Bản và Israel.