Sao Nga phải cắt giảm khi nước khác vẫn phát triển vũ khí hạt nhân?

ANTĐ - Ngày 27-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Nga sẽ không đàm phán về việc tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân song phương với Mỹ, cho đến khi các cường quốc hạt nhân khác tham gia vào quá trình này.

"Chúng tôi không thể đàm phán mãi với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế vũ khí hạt nhân trong khi một số nước khác lại đang tăng cường khả năng hạt nhân và tên lửa của họ", ông Ryabkov cho biết trên Đài phát thanh "Tiếng nói nước Nga" hôm Thứ 2.

"Phải đưa quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân đa phương trở thành một ưu tiên", thứ trưởng ngoại giao Nga tuyên bố.

Ông Ryabkov cho biết thêm rằng, Nga chưa bao giờ né tránh một cuộc thảo luận nào về giải giáp vũ khí hạt nhân toàn bộ, hoặc "phi hạt nhân hóa", nhưng điều này không phải hoàn toàn là một mục tiêu, "trái lại, chúng tôi sẽ chỉ làm suy yếu nền tảng an ninh quốc gia của chúng tôi". 

Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân START mới, do Nga và Mỹ ký vào năm 2010, giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị và số lượng phương tiện phóng, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ​​và máy bay ném bom hạt nhân, xuống còn 700 đơn vị.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong năm 2011, 8 cường quốc hạt nhân được công nhận, gồm: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel, sở hữu hơn 20.500 vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Ấn Độ, Pakistan và Israel đã không ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hiệp ước này được lập ra với mục tiêu nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện.

Tuy 3 nước này không ký kết hiệp định và đều sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Liên Hiệp Quốc cũng không có ý kiến gì, trong khi đó Nga luôn bị Mỹ kèn cựa về vấn đề cắt giảm lượng đầu đạn, còn Triều Tiên và Iran luôn bị Mỹ và Liên Hiệp Quốc cấm vận và đe dọa tấn công.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-5 của Ấn Độ

Báo cáo cho rằng "Ấn Độ và Pakistan tiếp tục phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình mới có mang vũ khí hạt nhân" và còn đang "tăng cường khả năng sản xuất nguyên liệu phân hạch cho các mục đích quân sự".

Triều Tiên đã rút khỏi NPT vào năm 2003 và công khai tuyên bố đã sở hữu vũ khí hạt nhân ngay từ năm 2005. Tuy nhiên, nước này chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia hạt nhân, ngay cả khi họ vừa thử thành công vũ khí hạt nhân lần thứ 3 với đương lượng nổ rất lớn vào đầu năm 2013.

Iran là một thành viên của NPT nhưng được cho là không tuân thủ thỏa thuận bảo vệ NPT và chương trình hạt nhân của nước này vẫn đang gây tranh cãi.