Sản xuất tăng, hàng bán nhiều... vẫn kêu lỗ

ANTĐ - Trao đổi với báo chí sáng qua (11-12), xung quanh việc một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên tiếp báo lỗ nhưng lại không ngừng mở rộng quy mô, ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách Tổng cục Thuế cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ lên kế hoạch thanh tra cụ thể chứ không thanh tra tràn lan, trọng tâm là những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá”. 

Chuyển giá là một lỗ hổng lớn trong quá trình thu hút dòng vốn FDI

 (Ảnh minh họa)

Lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù thống lĩnh thị phần đồ uống tại thị trường Việt Nam, doanh số tăng mạnh, nhưng từ khi đầu tư tại thị trường Việt Nam từ năm 1994 đến nay Coca Cola chưa từng đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm 2004 doanh thu của công ty này là 728 tỷ đồng và số lỗ là 110 tỷ đồng. Năm 2006 doanh thu tăng lên 1.026 tỷ đồng, số lỗ cũng tăng theo lên tới 253 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam lên đến 2.529 tỷ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỷ đồng và số lỗ là 188 tỷ đồng. Tổng cộng số lỗ của công ty này đến nay là 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Do thua lỗ nên Coca Cola Việt Nam chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân còn thuế thu nhập doanh nghiệp thì công ty này chưa nộp đồng nào. Mặc dù liên tiếp báo lỗ nhưng công ty vẫn không ngừng mở rộng sản xuất. Cũng chính vì vậy, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là một trong những trường hợp chuyển giá điển hình?

Ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban Cải cách Tổng cục Thuế Việt Nam cho biết: “Trường hợp Công ty Coca Cola trên báo chí phản ánh như vậy nhưng cơ quan thuế tại TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện thanh tra nên chưa xác định vụ việc, kể cả các thông tin về giá thành nguyên liệu”.

Từ trường hợp của Coca Cola, đại diện ngành thuế cho biết thời gian tới ngành thuế sẽ tập trung thanh tra không phải chỉ Coca Cola mà cả các doanh nghiệp thuộc ngành đồ uống, nước giải khát khác như Pepsi... vì suốt thời gian hoạt động đến nay, các doanh nghiệp này đều báo lỗ.

Đề cập tới việc có hay không việc báo lỗ để chuyển giá tại Coca Cola chủ yếu liên quan đến hương liệu (chiếm 70% chi phí của doanh nghiệp), ông Tiến cho hay: “Theo thông lệ quốc tế, để xác định có hay không việc chuyển giá với các tài sản cố định thì sử dụng phương pháp so sánh lợi nhuận và tách lợi nhuận. Nếu tìm được phương pháp so sánh giao dịch độc lập thì rất tốt, nhưng trong trường hợp đặc thù doanh nghiệp đó chỉ giao dịch với công ty mẹ thì ưu tiên sử dụng hai phương pháp trên. Trường hợp không thể tìm được bằng các phương pháp khác thì trong Thông tư 66 của Việt Nam và một số nước trong OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) cho phép sử dụng số liệu giữa kỳ của ngay chính công ty đó”.

Không dễ chống chuyển giá 

Ông Michael Palmer - Chuyên gia về chuyển giá Australia cho biết, có nhiều tập đoàn đa quốc gia nên có thể chuyển tiền từ nước này sang nước khác. Lợi nhuận của các công ty đa quốc gia tăng lên nhờ chuyển giá. Họ sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền cho nhân viên thuế để xây dựng các kế hoạch lách luật. Chuyển giá ngày càng phức tạp ở Việt Nam vì nó từng diễn ra ở Australia. Nếu không quản lý tốt sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp. 

Ông Michael Palmer chỉ ra rằng: “Theo kinh nghiệm mà Australia đã thực hiện thành công, cần xây dựng nhóm cán bộ, chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng tại Trung ương và các chi cục. Muốn vậy phải lựa chọn cán bộ phù hợp, có kỹ năng, trình độ. Không nên quá ôm đồm nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán nếu muốn thực hiện các cuộc kiểm toán một cách nghiêm ngặt, kỹ lưỡng và nên sử dụng các dữ liệu của nước ngoài. Mỗi năm chúng tôi chỉ thực hiện khoảng 30 cuộc thanh tra”. 

Việt Nam đang là nước nhận nguồn vốn có rủi ro cao, nên chống chuyển giá phải được chú trọng. Tuy nhiên cần phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng doanh nghiệp có sự gian dối để không ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chống chuyển giá không phải là vấn đề cản trở thu hút đầu tư nước ngoài mà là để đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng. “Chúng tôi tập trung vào công tác thanh tra các đối tượng theo kế hoạch chứ không thanh tra tràn lan, có đánh giá bằng những tiêu chí được xây dựng cụ thể. Trong đó trọng tâm là những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá như kê khai lỗ triền miên nhưng vẫn đầu tư, cơ quan thẩm định giá nâng vốn đầu tư bằng cách chuyển giá thông qua tài sản hữu hình, nâng vốn đầu tư lên để chia chác khấu hao, nguyên vật liệu”, ông Tiến chỉ rõ.

Theo các chuyên gia, muốn chống chuyển giá thì giai đoạn tới cần phải thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý, đào tạo nhân lực và sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp. Chống chuyển giá không phải một mình cơ quan thuế làm được. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cũng phải sửa vì liên quan đến đầu tư nước ngoài.