Sai phạm ở Vinashin đã bị lấp liếm

(ANTĐ) - Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, từ vài năm trước, thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Sai phạm ở Vinashin đã bị lấp liếm

(ANTĐ) - Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, từ vài năm trước, thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Vinashin đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm
Vinashin đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm

- Thưa ông, trong sự việc ở Vinashin, nếu thanh tra vào cuộc sớm hơn, hậu quả sẽ bớt nghiêm trọng?

- Tính từ năm 2005 đến nay, có tất cả 13-14 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ở Vinashin. Qua những cuộc đó, cũng đã phát hiện rất nhiều sai phạm. Trong đó, thanh tra của Bộ KH-ĐT đã phát hiện đầu tư ngoài ngành, đầu tư tràn lan và đã kiến nghị rất nhiều nội dung. Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã phát hiện việc sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả và cũng đã có kiến nghị. Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện thấy nhiều việc không đúng quy định pháp luật và có những thất thoát. Rồi giám sát của Quốc hội, kiểm tra của Trung ương về việc đổi mới doanh nghiệp cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm...

- Đã phát hiện sớm nhưng tại sao những vi phạm ở Vinashin vẫn kéo dài?

- Đáng tiếc là Vinashin chẳng những không nghiêm túc chấn chỉnh mà còn tìm cách báo cáo không đúng sự thật để lấp liếm. Ví dụ, thực tế là lỗ nhưng Vinashin vẫn báo cáo là lãi. Quá trình kiểm toán cũng chưa chỉ ra được kịp thời, dù đây là kiểm toán quốc tế chứ không phải là kiểm toán Nhà nước. Ngoài ra, dù có thanh tra toàn diện kịp thời từ ban đầu và chỉ ra hết những sai phạm nhưng nếu Vinashin không tự giác chấp hành, không khắc phục và cứ tiếp tục làm sai trái như vậy thì tất yếu dẫn đến hậu quả như bây giờ. Ở đây, cơ chế giám sát, thanh tra của chúng ta đang có vấn đề. Nhiều cơ quan vào kiểm tra nhưng chưa có quy định rõ cơ quan nào làm toàn diện, còn cơ quan nào làm theo chuyên ngành. Cũng chưa quy định rõ ai kiểm soát về cái gì. Từ đó dẫn đến có những nội dung bị chậm.

- Vậy chúng ta sẽ làm gì nếu đơn vị bị thanh tra cố tình không chấp hành kết luận?

- Chung quy lại là cơ chế có vấn đề. Chúng ta đang thanh tra thì doanh nghiệp cứ kêu là thanh tra dày đặc nên nếu có kiểm toán thì thanh tra không làm và thanh tra làm thì kiểm toán nghỉ. Việc tránh chồng chéo như vậy khiến nhiều việc bị chậm, dù không có chuyện buông lỏng. Thêm nữa, cơ chế để bảo đảm cho việc phải chấp hành nghiêm các kết luận thanh tra cũng chưa có. Hiện nay, có cả kết luận của Thủ tướng nhưng họ không làm thì ai phúc tra (?!). Họ đâu có giao cho chúng tôi. Thanh tra các bộ, ngành cũng không được giao phúc tra. Ngay cả nếu biết có hiện tượng chấp hành không nghiêm thì cũng không có chế tài xử lý. Điều này dẫn đến sai phạm nhiều khi kéo dài hay bị lấp liếm...

- Trong lần thanh tra toàn diện này, Thanh tra Chính phủ có xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc không thực hiện những vấn đề mà các đoàn thanh tra trước đã kiến nghị?

- Đương nhiên, khi thanh tra toàn diện ở một đơn vị, chúng tôi không chỉ xem xét trách nhiệm của đơn vị đó mà xem xét cả trách nhiệm của cơ quan cấp trên là những đơn vị được giao trách nhiệm quản lý họ và kể cả những cơ quan đã vào thanh tra rồi mà không có giải pháp gì để chấn chỉnh. Việc truy trách nhiệm không để bắt lỗi hay chia sẻ lỗi mỗi chỗ một ít mà vấn đề là phải tìm ra cơ chế để siết chặt trách nhiệm các cơ quan này. Trong trường hợp phát hiện cố tình làm trái, thiếu trách nhiệm sẽ kiến nghị xử lý.

- Nếu có những tồn tại thuộc về cơ quan cấp trên chẳng hạn thì kết luận của Thanh tra Chính phủ có nêu được không?

- Với những cơ quan cùng cấp trong phạm vi quản lý của Chính phủ, ví dụ như các bộ, ngành, UBND địa phương... thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị xử lý. Đối với những việc vượt thẩm quyền lên trên, Thanh tra Chính phủ cũng có trách nhiệm theo dõi, báo cáo theo quy định. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ cũng đã báo cáo nhiều trường hợp xem xét vượt thẩm quyền.

- Trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ có bị sức ép nào không?

- Không hề có. Vừa qua, cũng có những vướng mắc nhưng là do mình chưa làm chứ không phải chịu sức ép. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai suôn sẻ nhiều nội dung trong kế hoạch thanh tra và đã phát hiện được thêm nhiều vấn đề cụ thể để qua sự việc này, có thể thấy được cách quản lý đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nói chung.

Thành Nam (Ghi)

Lỗ 1.600 tỷ đồng nhưng báo cáo lãi 750 tỷ đồng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng vừa ký báo cáo về Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gửi tới các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.

Báo cáo nhìn nhận và đánh giá tổng thể về tập đoàn này từ khi hình thành cho tới khi đứng bên bờ vực phá sản cũng như chỉ ra những nguyên nhân, trách nhiệm và phương hướng tái cơ cấu. Theo báo cáo, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả... đã khiến Vinashin ngày càng lún sâu vào cảnh nợ nần chồng chất. Để giải quyết, tập đoàn phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Hệ quả là tập đoàn kinh doanh thua lỗ tới 1.600 tỷ đồng trong năm 2009 và đến tháng 6-2010, Vinashin đã nợ tổng cộng 86.000 tỷ đồng.

Báo cáo cũng chỉ rõ, Vinashin nhiều năm liền báo cáo không trung thực như năm 2009 lỗ 1.600 tỷ đồng nhưng lại báo cáo lãi 750 tỷ đồng, quý I-2010 thua lỗ vẫn báo cáo lãi gần 100 tỷ đồng... Báo cáo của Chính phủ nêu, “Bộ GT-VT dù đã cố gắng nhưng chưa phát hiện kịp thời những yếu kém trong hoạt động và cố ý làm trái của Vinashin để chủ động, đề nghị các cơ quan chức năng và báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý”.

Ngọc khánh