Rợn người lời kể của một "cô dâu bị đốt" ở Nepal

ANTD.VN - Ở Nepal hiện vẫn tồn tại hiện tượng “đốt cô dâu”, chỉ vì người vợ chỉ sinh được con gái hay có ít của hồi môn. Trong số nạn nhân ấy, Rihana Shekha Dhapali muốn mọi người biết câu chuyện man rợ đã xảy ra với mình.  

Rihana Shekha Dhapali, nạn nhân của tục “cô dâu bị đốt” ở Nepal

Trong một khu nhà lá nằm giữa cánh đồng tươi tốt ở ngôi làng nhỏ miền Trung Nepal, Rihana Shekha Dhapali, 23 tuổi, sống cùng cha mẹ và 7 anh em của mình. Cô làm công việc dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc đàn trâu và dê của gia đình.

Trong lúc trò chuyện, Dhapali vô tình để lộ vết sẹo dày từ dưới đầu gối đến gót chân. Chiếc váy quấn quanh người cũng không thể che hết những vết sẹo sần lên ở phía sau cánh tay trái. Đó là bằng chứng của một “cô dâu bị đốt”, chưa kể những tổn thương về tinh thần sẽ đeo đẳng suốt phần đời còn lại của người phụ nữ trẻ này.

Từ cõi chết trở về

Dhapali là một nạn nhân của tục “cô dâu bị đốt”, trong đó người chồng hành hạ vợ vì chỉ sinh được con gái hay chồng muốn cưới người khác. Tuy vậy, lý do phổ biến nhất vẫn là nạn nhân đi lấy chồng nhưng không có hoặc rất ít của hồi môn. Mọi chuyện bắt đầu khi Dhapali kết hôn 6 năm trước, cha cô chỉ có thể cho con gái một khoản hồi môn nhỏ. Không lâu sau, gia đình chồng đòi hỏi nhiều hơn: Một con trâu và tiền mặt. 

Dhapali nói với chồng rằng gia đình cô không thể có. Trong nhiều tháng, người chồng liên tục đánh cô. Một đêm, khi Dhapali đang mang thai tháng thứ 7, người chồng về nhà muộn, say rượu và đòi dọn thức ăn. Khi cô mang lên cho chồng, anh ta trói và đánh cô. Mẹ chồng tiếp tay, đổ dầu hỏa vào người cô và bật lửa đốt. Nghe tiếng kêu cứu, hàng xóm vội chạy sang dập lửa. Cha Dhapali đưa cô đến viện, nhưng đứa con trong bụng Dhapali không thể cứu được.

Dhapali trình báo cảnh sát nhưng chồng cô đã bỏ trốn về Ấn Độ, quê hương anh ta mỗi khi cảnh sát tìm đến. Dhapali có được ngày hôm nay là cả quá trình chạy chữa ở nhiều nơi, những khoản viện phí là do cô đã tìm được sự hỗ trợ của tổ chức phi Chính phủ có tên Những người sống sót sau bạo lực bỏng Nepal. 

Người giúp đỡ Rihana Shekha Dhapali rất nhiều là bác sỹ tâm lý Minakshi Rana. Rana có một cuộc sống thoải mái ở Kathmandu, một người chồng yêu thương cô và một nền giáo dục tốt với bằng thạc sĩ về tư vấn tâm lý. Lần đầu tiên nghe câu chuyện của Dhapali, Rana cảm thấy sốc và bị ám ảnh làm ảnh hưởng đến công việc. Nhưng sau đó, cô tự nhắc mình phải tập trung hơn bằng cách áp dụng các kỹ năng tư vấn như lắng nghe, hỗ trợ, đặt câu hỏi, nhập vai. “Tôi đã học được cách cân bằng bản thân khi tiếp xúc với những phụ nữ này”.

Vẫn là người may mắn

Nếu không có những cuộc thăm hỏi và nói chuyện điện thoại của Rana và các nhà tư vấn khác, Dhapali nói có thể cô sẽ chết vì đau buồn. Họ đã giúp Dhapali hiểu rằng đó không phải là lỗi của cô và rằng cô nên tự yêu lấy bản thân mình. 

Nhưng có lẽ Dhapali vẫn là người may mắn vì cha cô sẵn sàng đưa con gái đi khắp các viện để chữa bệnh và đón con về nhà, trong khi nhiều bệnh nhân khác của Rana lại sợ phải về nhà bố mẹ đẻ. Tại Nepal, con gái bước chân đi lấy chồng thuộc về gia đình chồng. Bởi vậy, Rana ước tính một nửa số bệnh nhân của cô lại trở về nhà chồng. “Đó là văn hóa, tập tục của Nepal”, cô nói.

Không ai biết chính xác có bao nhiêu phụ nữ Nepal giống như Dhapali bởi chưa có cuộc khảo sát, thống kê quy mô nào cả. Có thể có những nạn nhân đã chết hoặc không tìm đến chăm sóc y tế, cũng có người không muốn thừa nhận chuyện đã xảy ra với mình. Đáng chú ý, một nghiên cứu đối với bệnh nhân tại khoa bỏng ở Kathmandu giai đoạn 2002-2013 cho thấy, 329 người - chủ yếu là phụ nữ bị bỏng do “cố ý”.

Tuy nhiên, các tác giả của cuộc nghiên cứu ghi nhận rằng nhiều nạn nhân là “cô dâu bị đốt” không thừa nhận điều đó. Các bác sĩ phẫu thuật ở đây cho biết, bệnh nhân của họ hoặc xấu hổ hoặc sợ trả thù từ gia đình chồng nên nói đó là tai nạn hoặc chỉ là tự tử.

 Dhapali tâm sự, cô rất biết ơn gia đình vì đã nhận cô trở về nhưng vẫn hy vọng tìm được sự hỗ trợ về tài chính để trở lại trường học. “Tôi là gánh nặng cho gia đình tôi. Tôi muốn đi đâu đó và tự nuôi sống bản thân. Tôi muốn đứng trên chính đôi chân của mình”, người phụ nữ này chia sẻ.