Quyết chiến với các “gã khồng lồ” công nghệ toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Australia giành chiến thắng trước Facebook, buộc “ông lớn” mạng xã hội này phải trả phí cho việc sử dụng tin tức của các hãng truyền thông trong nước đã tiếp thêm động lực để các quốc gia khác tham gia “cuộc chiến”. Điều này có nghĩa là các “gã khổng lồ” công nghệ, mạng xã hội toàn cầu không thể tiếp tục “dùng chùa” nội dung tin tức trong khi hưởng lợi rất lớn.
Ông lớn công nghệ Facebook đã buộc phải lùi bước - chấp nhận trả tiền mua tin tức của các cơ quan báo chí Autralia

Ông lớn công nghệ Facebook đã buộc phải lùi bước - chấp nhận trả tiền mua tin tức của các cơ quan báo chí Autralia

Thành quả xứng đáng

Quốc hội Australia ngày 25-2 đã thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông do Chính phủ liên bang đề xuất. Trong đó quy định các công ty công nghệ toàn cầu phải trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông nước này. Theo đạo luật, các “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng truyền thông nội địa, trước hết là hai “ông lớn” Google và Facebook, phải trả tiền cho nội dung tin tức của báo chí trong nước xuất hiện trên các nền tảng công nghệ. Đạo luật trên được xem là chiến thắng ấn tượng của Australia với không chỉ Facebook mà với cả các tập đoàn công nghệ, mạng xã hội lớn nhất toàn cầu. Những “gã khổng lồ” này đã hưởng lợi rất lớn từ nguồn tài nguyên tin tức vô cùng phong phú và đa dang của các hãng truyền thông, nhưng không chịu trả tiền hay chia sẻ lợi nhuận cho những người sản xuất ra chúng.

Khoảng một thập kỷ trở lại đây, với sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội, thói quen đọc của người dùng đã chuyển dần sang các nền tảng công nghệ và mạng xã hội. Nó đặt ra thách thức ngày càng lớn cho ngành báo chí thế giới. Tất cả các tờ báo truyền thống, kể cả những tờ báo lớn với truyền thống hàng trăm năm, đều phải đối mặt với thực tế là những tập đoàn như Google, Facebook… đã hút gần hết nguồn tài chính của họ.

Theo thống kê mới nhất, năm 2020, thị phần của Google và Facebook trên nền tảng quảng cáo kỹ thuật số đã lên tới 78%, tăng mạnh so với mức 75% của năm 2019 và mức 66% của 2 năm trước đó. Bên cạnh ưu thế công nghệ vượt trội, các nền tảng công nghệ như Google và Facebook còn ngày càng thu hút nhiều người hơn vì sử dụng nguồn tài nguyên thông tin, tin tức khổng lồ do chính chức cơ quan, tổ chức báo chí sản xuất ra.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khi các nền tảng công nghệ như Google và Facebook ngày một thu hút thêm nhiều người tham gia, sử dụng bởi không phải chịu ràng buộc, chế tài khi đăng tải các thông tin sai lệch, thất thiệt như các cơ quan báo chí truyền thông. Tin giả trên mạng xã hội là một vấn nạn nhức nhối với những hệ lụy khôn lường, song các ông lớn công nghệ vẫn chưa có giải pháp đủ mạnh để xử lý.

Như tình trạng chung trên thế giới, báo chí Australia cũng ngày càng bị các tập đoàn công nghệ lấn sân, giành mất phần lớn miếng bánh thị phần cả người đọc và quảng cáo. Do tình hình tài chính khó khăn và lượng người đọc mỗi ngày một giảm, số phóng viên báo in ở Australia đã giảm 20% trong giai đoạn từ năm 2014-2018. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, khó khăn càng chồng chất hơn bởi tác động của đại dịch Covid-19, khiến hơn 200 tờ báo của Australia phải đóng cửa do doanh thu quảng cáo lao dốc không phanh.

Sau một thời gian dài thúc giục các “ông lớn” công nghệ phải tự nguyện chia sẻ, trả tiền khi đăng tải tin tức của báo chí trong nước không đạt kết quả, từ giữa năm 2020, Chính phủ Australia đã thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông nhằm buộc các tập đoàn công nghệ toàn cầu, trước hết Google và Facebook, trả tiền cho nội dung tin tức của báo chí trong nước xuất hiện trên các nền tảng công nghệ của họ. Bộ quy tắc thương lượng truyền thông được thông qua ngày 25-2 với sự chấp thuận của Facebook vì thế được xem là thắng lợi của Australia trong cuộc chiến ban đầu tưởng không cân sức với các “gã khổng lồ” công nghệ.

Khởi đầu cho cuộc chiến đòi lẽ phải và công bằng

“Ông lớn” Facebook cuối cùng đã phải lùi bước trước áp lực từ Chính phủ Autralia để bảo vệ các cơ quan báo chí trong nước, đồng thời cũng đảm bảo bớt bất công hơn trong việc chia sẻ thị phần quảng cáo. Họ buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm chia sẻ tin tức trên nền tảng công nghệ này tại Autralia từ ngày 23-2, tức là 2 ngày trước lúc Quốc hội Autralia thông qua Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Facebook sau đây còn buộc phải đàm phán với các cơ quan báo chí của Autralia để “trả thù lao sản xuất tin tức”, nếu không Chính phủ nước này sẽ buộc tập đoàn công nghệ này phải trả một mức phí nhất định.

Dường như nhận thấy trước xu thế cũng như sự “thua trận” của Facebook, một “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu khác là Google trong những ngày qua đã nhanh chóng ký kết các thỏa thuận mang lại hàng chục triệu USD cho các tập đoàn truyền thông lớn của Australia như: Seven West Media, Nine Entertainment, hay Tập đoàn truyền thông toàn cầu News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch (người Australia).

Mới đây nhất, ngày 20-2-2021, tờ Guardian Australia đã đạt thỏa thuận tham gia News Showcase với Google, nâng tổng số các thỏa thuận với các tổ chức báo chí Australia vượt qua con số 50 với tổng trị giá hơn 100 triệu đô la Australia (tương đương 80 triệu USD). Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Google chủ động đàm phán và ký kết các thỏa thuận là khôn ngoan bởi giúp tập đoàn này tránh được rủi ro “không dự báo được” khi phải áp dụng Bộ quy tắc. Một quan chức có trách nhiệm của Google cho biết, các tổ chức báo chí đã đồng ý tham gia sản phẩm News Showcase và đây có thể là một giải pháp khả thi, đáp ứng các mục tiêu của Bộ quy tắc thương lượng truyền thông.

Cùng với Australia, Liên minh châu Âu (EU) cùng các thành viên đang có xu hướng tiếp bước đất nước Kangaroo nhằm buộc Facebook và Google trả phí tin tức trên nền tảng của họ.

Trước đó, tháng 3-2019, Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã thông qua Luật cải cách bản quyền, yêu cầu các nền tảng công nghệ truyền thông phải trả phí bản quyền cho việc dẫn lại tin tức của các cơ quan thông tấn báo chí. Tháng 7-2020, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thông qua Luật cải cách bản quyền của EU, dẫn tới kết quả ban đầu là Google phải chi 76 triệu USD để trả cho 121 tòa soạn báo của Pháp trong vòng 3 năm tới.

Đến tháng 10-2020, Google đã buộc ra mắt ứng dụng News Showcase, một mô hình trả tiền mua tin đã được áp dụng ở Anh, Pháp, Argentina, Đức, Brazil, Canada, Nhật Bản và mới nhất là Australia. Canada hiện là quốc gia đang bước tiếp con đường của Australia, tuyên bố sẽ buộc Facebook trả tiền cho nội dung tin tức mà tập đoàn này sử dụng của báo chí Canada. Các tổ chức truyền thông Canada cho rằng, với cách tiếp cận của Autralia sẽ cho phép các nhà xuất bản nội dung tin tức nước này thu về 620 triệu đô la Canada/năm (tương đương hơn 489 triệu USD). Còn nếu không hành động, Canada sẽ mất 700 việc làm báo in trong tổng số 3.100 việc làm hiện nay.

Thắng lợi của Autralia cũng như các động thái của EU và Canada đang cổ vũ, tiếp sức cho các quốc gia khác vào cuộc chiến đòi lẽ phải và công bằng với các tập đoàn công nghệ, mạng xã hội lớn toàn cầu.