Quy chế bảo vệ tạm thời đối với người tị nạn Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu - ông Hans Kluge cho biết: “Nếu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine tiếp tục leo thang, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều người dễ bị tổn thương hơn, khi tìm đường đi lánh nạn chỉ với quần áo trên người”. Ở một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động Quy chế bảo vệ tạm thời giúp người tị nạn Ukraine sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong thời gian nhất định tại nước sở tại và không phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất.

* Liên hợp quốc: 1 triệu người Ukraine tị nạn sau 7 ngày

Người tị nạn từ Ukraine tại khu vực biên giới Medyka, Ba Lan

Người tị nạn từ Ukraine tại khu vực biên giới Medyka, Ba Lan

Bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine

Liên minh châu Âu (EU) ngày 3-3 đã nhất trí cung cấp sự bảo vệ tạm thời cho người tị nạn Ukraine, trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Các Bộ trưởng EU đạt nhất trí trên tại một cuộc họp ở Thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm khởi động một cơ chế bảo vệ tạm thời, vốn đã được khối này đề ra từ 2 thập kỷ trước đây khi xảy ra cuộc chiến tại Yugoslavia nhưng chưa bao giờ được áp dụng. Theo Quy chế bảo vệ tạm thời, người tị nạn đến từ Ukraine và gia đình họ sẽ được cấp phép cư trú cũng như quyền đi làm và học tập trong năm đầu tiên, được gia hạn 6 tháng một lần với tổng thời gian 2 năm.

Hiện tại, công dân Ukraine có hộ chiếu sinh trắc học chỉ được phép vào khu vực Schengen miễn thị thực của EU và ở lại trong 3 tháng, không được phép làm việc. Cao ủy phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) - bà Ylva Johansson cho biết, đây là một quyết định lịch sử của khối này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết, quy chế bảo vệ tạm thời sẽ được áp dụng với người Ukraine sang EU tị nạn, cũng như tất cả những người đã được cấp quy chế tị nạn trước đó ở Ukraine. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser nhận định, đây là một sự thay đổi thiết thực đối với EU, trong bối cảnh khối này lâu nay chật vật tìm cách cải cách các quy định về tị nạn. Thỏa thuận trên dự kiến sẽ có hiệu lực trong vài ngày tới sau khi Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU đã lập một “trung tâm tị nạn” ở Romania - 1 trong 4 nước thành viên EU có biên giới với Ukraine. Cùng thời điểm, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo động thái tương tự EU, trao Quy chế bảo vệ tạm thời cho người Ukraine đang ở Mỹ, đồng nghĩa họ sẽ được tiếp tục ở lại Mỹ và không phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Theo thông báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, những người Ukraine đang ở Mỹ tiếp tục được ở lại trong 18 tháng tới. Bộ trưởng Alejandro Mayorkas cho biết: “Vào thời điểm đặc biệt này, chúng tôi sẽ hỗ trợ và bảo vệ những người Ukraine đang ở Mỹ”.

Trong một diễn biến liên quan, Chính phủ Brazil cùng ngày thông báo sẽ cấp thị thực và giấy phép cư trú tạm thời cho người Ukraine và người không có quốc tịch bị ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine. Đại diện Thương mại của Đại sứ quán Ukraine tại Brazil - Anatoliy Tkach cho biết, số người Ukraine muốn đến Brazil không nhiều, thường là thành viên gia đình của người Ukraine đang sống tại Brazil. Trước đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết sẽ cho phép người Ukraine đến Brazil theo thị thực nhân đạo. Brazil cũng đã cấp loại thị thực này cho người di cư Haiti, Syria và gần đây nhất là Afghanistan.

Lo ngại “làn sóng” người dân Ukraine đi lánh nạn tiếp theo

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại “làn sóng” người dân Ukraine đi lánh nạn tiếp theo sẽ dễ bị tổn thương hơn do bệnh tật và khó khăn kinh tế so với 1 triệu người hiện đã rời khỏi quốc gia Đông Âu này. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu - ông Hans Kluge cho biết: “Nếu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine tiếp tục leo thang, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều người dễ bị tổn thương hơn, khi tìm đường đi lánh nạn chỉ với quần áo trên người”. Phát biểu tại Thủ đô Warsaw (Ba Lan), nơi WHO điều phối việc phân phát 36 tấn hàng viện trợ y tế cho Ukraine, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định tình hình hiện đã có thể được coi là một “cuộc khủng hoảng nhân đạo”.

Liên hợp quốc cho biết, khoảng 1 triệu người dân đã rời khỏi Ukraine, tìm đường đến Ba Lan và các nước láng giềng phương Tây. Phần lớn trong số này có khả năng tài chính và kết nối gia đình ở điểm đến và đã gặp người thân hoặc bạn bè giúp đỡ. Nhưng khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine gia tăng, những người Ukraine có ít nguồn lực hơn và trong tình trạng sức khỏe kém hơn sẽ cần được hỗ trợ nhiều hơn khi phải thực hiện chuyến đi mạo hiểm đến biên giới. Ông Hans Kluge nhấn mạnh, những người này vẫn đang ở lại phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc men và cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Trước đó, kết thúc vòng đàm phán thứ hai giữa các quan chức Nga và Ukraine, hai bên đã nhất trí thiết lập các hành lang nhân đạo để cung cấp viện trợ và có khả năng tuyên bố lệnh ngừng bắn ở một số khu vực để hỗ trợ dân thường. Hàng viện trợ của WHO đã đến Ba Lan ngày 3-3 và sẽ được chuyển đến thành phố Lvov của Ukraine, sau đó đưa tới các khu vực xung đột. Số hàng này gồm bộ dụng cụ trị thương cho 1.000 người cũng như thuốc men cho 150.000 người, bao gồm cả thuốc điều trị ung thư, insulin cho bệnh nhân tiểu đường…

Ngày 5-3: Chuyến bay đầu tiên đón người Việt từ Ukraine về nước

Chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ cất cánh sáng 5-3 từ Hà Nội, đến Ba Lan trong chiều cùng ngày và quay trở lại Việt Nam ngay sau đó để đón công dân từ Ukraine về nước. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, việc hỗ trợ khẩn cấp liên quan tới xin phép bay hạ cất cánh, các hướng dẫn về mặt yêu cầu xét nghiệm, tổ chức cách ly… đã xong các thủ tục để chuyến bay trong sáng 5-3 có thể thực hiện.

“Các đường bay, phương thức bay, lực lượng phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, các sân bay đến và dự bị đã được Vietnam Airlines liên hệ chuẩn bị phương án phục vụ… Ngay khi nhận được sự phân công, hãng sẽ quyết tâm thực hiện với trọng trách của cấp trên giao phó, sự tin cậy và gửi gắm niềm tin của nhân dân” - lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh. Trước đó, Vietnam Airlines đã chọn 6 địa điểm xung quanh Ukraine với thời gian bay một chiều từ 9-14 tiếng. Cụ thể, đường bay Hà Nội - Warsaw (Ba Lan); Hà Nội - Budapest (Hungary); Hà Nội - Bratislava (Slovakia); Hà Nội - Mátxcơva (Liên bang Nga), Hà Nội - Minsk (Belarus) và Hà Nội - Bucharest (Romania).

“Tính đến trưa 3-3 (giờ Việt Nam), hầu hết bà con ở Kiev, Odessa, hàng trăm người ở Kharkov đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự và được bố trí sang các nước lân cận; hơn 400 người đã tới Mondova và chuẩn bị di chuyển sang Rumania; 600 người đã từ Ukraine sang Ba Lan; 70 người đã sang Romania; hơn 30 người đã tới Slovakia; khoảng 50 người đã tới Hungary. Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán tại Ba Lan, Romania đã trực tiếp thăm hỏi và hỗ trợ bà con. Các cơ quan đại diện Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con nhập cảnh, quá cảnh; phối hợp với nhà chức trách địa phương, các hội đoàn người Việt ở sở tại đón và thu xếp chỗ ăn ở tạm thời, cung cấp vật dụng thiết yếu cho bà con. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện đang tiếp nhận yêu cầu về Việt Nam của bà con để phối hợp các bộ, ngành liên quan và các hãng hàng không sớm tổ chức các chuyến bay theo chỉ đạo của Chính phủ trên tinh thần nhân đạo, khẩn trương, an toàn. Các thông tin về chuyến bay sẽ được thông báo kịp thời, công khai, minh bạch để thuận lợi nhất cho bà con”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng

“Các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ các thủ tục, giấy tờ cần thiết để bà con nhập cảnh, quá cảnh; phối hợp với nhà chức trách địa phương và các hội đoàn người Việt sở tại đón, thu xếp chỗ ăn ở tạm thời cho bà con. Ngoài số bà con đã sang các nước lân cận, số còn lại đang chờ tại cửa khẩu hoặc đang đi trên đường. Tình trạng di chuyển tương đối ổn định, trật tự tuy có tắc đường, tàu đông, bà con giúp đỡ nhau, đi theo nhóm, có sự hỗ trợ, hướng dẫn của Đại sứ quán và hội đoàn khi cần. Xu hướng bà con đi khỏi Ukraine vẫn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt tại Ukraine để nắm tình hình, cử cán bộ trực đường dây nóng 24/24h, sẵn sàng tiếp nhận thông tin và kịp thời hỗ trợ bà con; trao đổi, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản cho cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine...”.

Ông Ngô Trịnh Hà (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)