Quan tham Trung Quốc "xếp hàng" ra tòa để nhận án tù

ANTD.VN - Cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012) đang diễn ra với tốc độ quyết liệt hơn, đặc biệt khi Đại hội 19 sẽ họp vào cuối năm nay.

Ông Lưu Chí Canh - cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông - nhận án tù chung thân vì tham nhũng

Chỉ trong ngày 31-5 vừa qua, 8 quan chức cấp cao ở Trung Quốc đã bị kết án tù, từ tù có thời hạn tới chung thân, vì tội tham nhũng. Trong số những quan chức bị kết án, có 4 người bị buộc tội nhận hối lộ với số tiền hơn 100 triệu NDT (khoảng 14,7 triệu USD). Đó là Lưu Chí Canh - cựu Phó   chủ tịch tỉnh Quảng Đông, Vương Bảo An - người từng đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia, Lô Tử Dược - cựu Chủ tịch thành phố Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, và Trần Tuyết Phong - một cựu quan chức cấp tỉnh ở Hà Nam. Bốn tham quan này đều nhận án tù chung thân. 

Nhịp độ “xử” quan tham dồn dập

Bốn “hổ” còn lại là Vương Dương - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Liêu Ninh lĩnh án 16 năm 6 tháng tù, Lý Thành Vân - Phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên nhận án 10 năm, Đặng Kỳ Lâm - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn gang thép Vũ Hán bị 15 năm tù và Thường Tiểu Binh - Chủ tịch Tập đoàn China Telecom bị 6 năm tù.

Các bản án được đưa ra sau ngày 26-5 khi ông Triệu Lê Bình - nguyên Giám đốc Công an, Phó chủ tịch Chính Hiệp Nội Mông - nhận hình phạt tử hình vì tội cố ý giết người, nhận hối lộ và tàng trữ vũ khí trái phép. Đây là quan chức cấp cao đầu tiên trực tiếp giết người và cũng là quan chức cấp tỉnh đầu tiên bị kết án tử hình và phải thi hành án kể từ khi Trung Quốc triển khai chiến dịch “đả Hổ, diệt Ruồi, săn Cáo”.

Năm 2016, hệ thống tòa án Trung Quốc đã xử lý 45.000 án tham nhũng liên quan tới 63.000 người  với 35 cựu quan chức cấp tỉnh, bộ hoặc cao hơn, và 240 quan chức cấp quận. 

Bước sang tháng 6, nhịp độ trừng trị quan tham vẫn không hề giảm. Ngày 1-6, Viện Kiểm sát tối cao Trung Quốc thông báo áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Trần Húc - Bí thư đảng ủy, Viện trưởng Kiểm sát thành phố Thượng Hải để điều tra vì có dấu hiệu phạm tội nhận hối lộ. Cùng ngày, Tống Lâm - Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Nhuận nhận mức án 14 năm tù, phạt 4 triệu NDT vì tham ô và nhận hối lộ.

Ngày 2-6,  Ủy ban Điều tra kỷ luật trung ương Trung Quốc thông báo, ông Tôn Hoài Sơn - một cựu cố vấn chính trị cấp cao - bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị cách mọi chức vụ trong chính quyền vì vi phạm nguyên tắc đạo đức của Đảng và phạm tội tham nhũng. Cùng ngày, Đới Hải Ba - nguyên Phó Tổng thư ký thành phố Thượng Hải bị tòa án tuyên phạt 9 năm tù, nộp phạt 2 triệu NDT vì tội nhận hối lộ và gửi khoản tiền lớn trong ngân hàng mà không kê khai.

Tăng cường giám sát để ngăn chặn

Sau khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về một cuộc đàn áp tham nhũng quyết liệt, nhằm khiến các quan chức “không dám, không thể và không muốn tham nhũng”.

Theo thống kê, hệ thống tòa án Trung Quốc đã xử lý 45.000 án tham nhũng liên quan tới 63.000 người trong năm 2016, với 35 cựu quan chức cấp tỉnh, bộ hoặc cao hơn, và 240 quan chức cấp quận. “Các con số này cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không dừng lại và chính sách không khoan dung sẽ không thay đổi, do đó bác bỏ ý kiến cho rằng, cuộc chiến này có thể kết thúc khi lãnh đạo hiện thời chấm dứt nhiệm kỳ của mình”, ông       Đới Nghiêm Quân, thuộc trường Đảng của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết.

Với việc tạo ra một mạng lưới rộng lớn và chặt chẽ chống lại tham nhũng, cơ quan giám sát và chống tham nhũng của Trung Quốc hiện “bận rộn” với chiến dịch “Săn Cáo” – truy bắt các tội phạm kinh tế đang lẩn trốn ở nước ngoài, cũng như trấn áp quan tham ở mọi cấp chính quyền. Hơn 1.000 tội phạm kinh tế ở nước ngoài đã được đưa về Trung Quốc năm 2016. 

Ông Vương Vũ Khải tại Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc nhận định rằng, bước tiếp theo của chiến dịch “đả Hổ, diệt Ruồi, săn Cáo” sẽ tập trung vào việc ngăn ngừa tham nhũng bằng biện pháp tăng cường giám sát. Ngoài việc cải thiện và thắt chặt các quy định kỷ luật trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này còn chuẩn bị thành lập một hệ thống giám sát quốc gia đối với tất cả công chức.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua một chương trình cải cách thí điểm vào  năm ngoái để thiết lập hệ thống giám sát tổng hợp với việc thành lập các ủy ban giám sát địa phương. Bên cạnh việc giám sát, ủy ban này cũng sẽ điều tra và trừng phạt bất kỳ cá nhân nào phạm tội tham nhũng hoặc liên quan tới các tội danh khác. Trường hợp nghiêm trọng sẽ được chuyển sang điều tra hình sự.